08:48 17/01/2024

Năm 2024 sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho Việt Nam

Tú Uyên

Nhiều nhận định của các chuyên giá kinh tế cho rằng năm 2024 không nhiều lạc quan cho kinh tế toàn cầu, nhưng với thị trường Việt Nam, các chuyên gia kinh tế nước ngoài vẫn lạc quan và tin tưởng đây là một năm đầy hứa hẹn cho Việt Nam. Đây cũng là nhận định của ông Suan Teck Kin - CFA, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB...

Năm 2023 vừa khép lại với nhiều khó khăn thách thức cho nền kinh tế toàn cầu. Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế thế giới trong năm qua?

Năm 2023 thực sự là một năm khó khăn cho nền kinh tế thế giới do việc tăng lãi suất liên tục từ các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Dự trữ Australia và thậm chí là các ngân hàng trung ương khu vực như Indonesia và Malaysia.

Đồng thời, các yếu tố địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc tiếp tục tăng áp lực lên tâm lý chung cũng như các hoạt động kinh doanh. Từ đó đã dẫn đến các hoạt động thương mại chậm lại, làm ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào thương mại như Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI, đầu tư công…, tuy nhiên Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với mức tăng trưởng GDP ước tính 5.05%. Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng này của Việt Nam?

Việt Nam là nước có mức độ phụ thuộc vào thương mại lớn thứ hai trong khu vực ASEAN (tổng giá trị thương mại chiếm khoảng 186% GDP năm 2021, theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới), chỉ đứng sau Singapore (với giá trị thương mại chiếm khoảng 337% GDP năm 2022). Do đó, Việt Nam bị ảnh hưởng khá lớn khi nhu cầu từ thị trường ngoại giảm sút.

Chúng tôi đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong tháng 7, xuống 5.2% (so với dự báo 6%) do dữ liệu thương mại tiếp tục giảm. Mặc dù 5.05% là mức thấp hơn so với dự báo chính thức là 6-6.5%, tuy nhiên đây vẫn là một thành tựu trong bối cảnh khó khăn, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cũng đã hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng nội địa.

Ông Suan Teck Kin - CFA, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB.
Ông Suan Teck Kin - CFA, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB.

Nhiều dự báo cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2024 cũng sẽ không dễ dàng và tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy vậy, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia vẫn lạc quan với về bức tranh tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024, ở mức trên 6%. Là người nghiên cứu kỹ về kinh tế Việt Nam, ông có cho rằng mức tăng trưởng này có quá lạc quan không và đâu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, thưa ông?

Tôi cho rằng dự báo tăng trưởng 6% là một mục tiêu hợp lý và khả thi cho Việt Nam trong năm 2024. Đối với năm 2024, chúng tôi dự kiến hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện và hoạt động ngoại thương (xuất khẩu) sẽ cải thiện hơn nữa đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024, với giả sử là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 năm 2024. Trong khi đó, dữ liệu từ ngành bán dẫn cho thấy sự cải thiện trong doanh số bán hàng, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.

Cần lưu ý rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam đã phá kỷ lục ở mức 23.2 tỷ USD trong năm 2023 so với 22.4 tỷ USD trong năm 2022 mặc dù năm qua là một năm tương đối khó khăn, điều này cho thấy các công ty vẫn nhìn nhận giá trị và cơ hội ở đất nước này và sẽ tiếp tục đặt nền móng cho nhiều hoạt động kinh doanh trong các năm tiếp theo.

UOB dự báo mức tăng trưởng 6% cho Việt Nam trong năm 2024 khi nền kinh tế phục hồi hơn nữa, trở về mức tăng trưởng trước đại dịch.

Năm 2024 sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho Việt Nam - Ảnh 1

Để đạt được mức tăng trưởng cao như dự báo, theo ông Việt Nam cần phải làm gì, cần đẩy mạnh các chính sách nào trong năm 2024?

Tăng trưởng 6% không được xem là cao. Bởi vì nếu con số này là chính xác, thì chỉ số trung bình cho năm 2023 và 2024 chỉ là 5.5%. Trước đại dịch, Việt Nam thường xuyên đạt được mức tăng trưởng trên 7%. Kim ngạch ngoại thương (xuất khẩu, nhập khẩu) sẽ là yếu tố quan trọng đối với Việt Nam, và sự phục hồi của ngành bán dẫn cho thấy rằng xuất khẩu của Việt Nam có thể có một năm tốt hơn so với năm 2023; NHNN cũng đang đóng vai trò quan trọng khi việc cắt giảm lãi suất và chính sách tín dụng của họ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo ông, lĩnh vực nào của Việt Nam trong năm 2024 sẽ là lĩnh vực chủ chốt, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế?

Trong năm 2024, sự phục hồi trong chu kỳ công nghệ sẽ là nhân tố thúc đẩy cho các lĩnh vực liên quan đến công nghệ và chuỗi cung ứng của nó đạt kết quả tốt hơn. Tiếp đến, nông nghiệp cũng là một ngành quan trọng của Việt Nam. Trong một năm mà căng thẳng địa chính trị tiếp tục là mối quan ngại chính trên toàn cầu, nhiều quốc gia tỏ ra lo ngại về nguồn cung và khả năng cung ứng thực phẩm thì Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thuận lợi với vai trò là một nhà sản xuất lớn về lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, các dự án về năng lượng bền vững sẽ tiếp tục có những bước phát triển và nhu cầu xa hơn cụ thể trong lĩnh vực ô tô điện, năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, điện gió.

Quan hệ ngoại giao Việt Mỹ trong năm 2023 được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện. Nhiều hứa hẹn làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Điều này có tác động thế nào đến quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và các năm tới thưa ông?

Mối quan hệ ngoại giao và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bảo đảm cho khả năng gia tăng đầu tư và công nghệ của Hoa Kỳ vào Việt Nam, cũng như sự tiếp cận của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Điều này là quan trọng vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và cũng là nhân tố đóng góp lớn nhất cho thặng dư thương mại của Việt Nam. Việc duy trì những điều kiện này sẽ đóng góp một cách đáng kể cho ngành thương mại và tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam.

Ông nhìn nhận bức tranh tài chính Việt Nam năm 2024 như thế nào? Chính sách điều hành của NHNN để lại cho ông điều gì ấn tượng nhất?

Phản ứng nhanh chóng trong việc giảm lãi suất trong năm 2023, mặc dù lãi suất đang tăng cao trên toàn thế giới, cho thấy NHNN có nhận thức và đáp ứng nhạy bén đối với tình hình và thách thức thực tế. Điều này không dễ dàng vì các ngân hàng trung ương khác đang tiến theo hướng ngược lại vào thời điểm đó. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam được hỗ trợ và đạt được tăng trưởng 5.05%.

Khái quát nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường Tài chính nói riêng trong năm 2024, ông có thể dùng từ nào để mô tả?

Năm 2024 sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho Việt Nam!