Nắm hơn 100 mảnh "đất vàng", nhà đầu tư xếp hàng mua cổ phiếu Hapro
Có tới 346 nhà đầu tư đã đăng ký mua cổ phiếu trong đợt IPO của Hapro diễn ra ngày 30/3 tới đây
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo có tới 346 nhà đầu tư đăng ký mua tới 93 triệu cổ phần trong đợt IPO của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Cụ thể, có 346 nhà đầu tư đăng ký mua, trong đó chỉ 2 tổ chức, còn lại là 344 cá nhân đăng ký mua tổng cộng tới hơn 93 triệu cổ phiếu, cao hơn 22% so số lượng chào bán. Hai tổ chức chỉ đăng ký mua 700.000 cổ phiếu.
Theo phương án cổ phần hóa, Hapro sẽ có vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, trong đó IPO gần 76 triệu cổ phiếu, tương đương 34.51% vốn; bán cho nhà đầu tư chiến lược 143 triệu cổ phiếu, chiếm 65%; người lao động 791.200 cổ phiếu.
Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần sau IPO. Với giá chào bán khởi điểm là 12.800 đồng/cổ phiếu, Hapro dự kiến thu về tối thiểu 971 tỷ đồng.
Trước đó, UBND Tp. Hà Nội đã phê duyệt cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) là nhà đầu tư chiến lược của Hapro với tỷ lệ mua 65%, giá tối thiểu 1.830 tỷ đồng.
Vinamco là cái tên khá nổi tiếng trong các phiên đấu giá cổ phần nhà nước trong thời gian gần đây. Vinamco từng chi 1.250 tỷ đồng để mua hơn 97% cổ phần Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông Vận tải và từng ngỏ ý tham gia mua 36% cổ phần của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) trong năm 2016.
Về Hapro, đây là một tổng công ty thuộc Hà Nội. Hapro là một doanh nghiệp bán lẻ nội địa, đầu tư phát triển hạ tầng và xuất nhập khẩu khá nổi tiếng, sở hữu nhiều công ty con cũng rất nổi tiếng (như Thủy Tạ, Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Gốm Chu Đậu,... ) và cả trăm mảnh đất vàng trên phạm vi cả nước.
Giá trị doanh nghiệp Hapro được xác định là trên 4.000 tỷ đồng nhưng nợ phải trả gần 1.900 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị phần vốn nhà nước khoảng hơn 2.100 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của Hapro thực tế không có gì nổi bật và thuộc lĩnh vực có mức độ cạnh tranh rất lớn. Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2014 doanh thu của Hapro đạt 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 278 tỷ đồng. Năm 2015, cùng với đà doanh thu giảm 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận Hapro cũng giảm mạnh còn 21 tỷ đồng. Năm 2016, lợi nhuận Hapro tăng hơn 40 tỷ đồng, đến năm 2017 lại giảm còn chưa đến 15 tỷ đồng.
Trong một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2015 cũng cho thấy, tại Hapro, có 7 công ty con lỗ lũy kế 26,9 tỷ đồng, 15 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 94,5 tỷ đồng, 3 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế 69,4 tỷ đồng.
Sức hút của Hapro nằm ở quỹ đất mà doanh nghiệp này đang quản lý sử dụng lên tới 114 địa điểm, trong đó có 96 địa điểm tại Hà Nội. Rất nhiều trong số đó là đất vàng như 280m2 tại Đinh Tiên Hoàng (bờ hồ Hoàn Kiếm), 500m2 tại Điện Biên Phủ - Hà Nội, hơn 1.800 m2 tại Lương Đình Của, C12 Thanh Xuân Bắc diện tích đất 1.780 m2; D2 Giảng Võ BA Đình diện tích 1.230 m2...và hàng loạt tổ hợp thương mại văn phòng.
Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh diện tích 2.933 m2; phòng 15 tầng số 11B Cát Linh diện tích 2.933 m2; Tòa nhà số 362 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng 7 tầng nổi, 1 tầng hầm có diện tích đất 618 m2; dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng diện tích đất 1.624 m2; Trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình 3.108 m2...
Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang, Việt Trì, Phú Quốc,... Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.