22:13 01/08/2018

Năm xu hướng tiêu dùng mới

Duyên Duyên

Với 26% dân số sẽ tập trung ở các thành phố thứ cấp vào năm 2025, nông thôn và các thành phố thứ cấp sẽ là thị trường tiêu điểm trong tương lai

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các kênh thương mại đã kéo theo xu hướng mua sắm tiện lợi đang tăng lên rõ rệt - Ảnh minh họa.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các kênh thương mại đã kéo theo xu hướng mua sắm tiện lợi đang tăng lên rõ rệt - Ảnh minh họa.

"Song song với đó, kinh doanh đa kênh tích hợp đang và sẽ là xu thế tất yếu, các cửa hàng truyền thống sẽ mở rộng kinh doanh trực tuyến, các nhà bán lẻ sẽ sử dụng các nguồn lực truyền thống để vận hành và phát triển thương mại điện tử. Đó là xu hướng phát triển của tương lai", Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen nhận định.

Trong khi doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở một số thị trường đã từng thành công như Mỹ có dấu hiệu dịu đi vào đầu năm 2017, thì cơ hội tăng trưởng vẫn luôn sẵn sàng nếu các nhà sản xuất hay bán lẻ nếu họ biết rõ thị trường nào mình cần nhắm đến.

Các nhà sản xuất, nhà bán lẻ có phạm vi tiếp cận toàn cầu nên tập trung vào các thị trường mới nổi, những nơi liên tục có sự tăng trưởng doanh thu tốt hơn từ hai đến bốn lần so với các thị trường phát triển trong thời gian gần đây.

"Việt Nam, một viên ngọc ở Đông Nam Á, hiện đang có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong nhiều năm qua. Nền kinh tế có nhiều dấu hiệu lạc quan như tốc độ tăng trưởng GDP cao vào khoản 6,8% trong quý 2. Việt Nam cũng là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất ở châu Á do dân số tăng nhanh và chi tiêu tiêu dùng gia tăng. Thật vậy, từ năm 2012, thu nhập hộ gia đình đang tăng lên gần 40%", Công ty nghiên cứu Nielsen nhận định.

Để tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, trong báo cáo nhìn vào xu hướng mới nổi ở Đông Nam Á và các xu hướng chính ở Việt Nam, Nielsen đã đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược riêng biệt, "những điểm nóng" hôm nay có thể lỗi thời vào ngày mai.

Theo đó, Nielsen cho rằng, 40% dân số sẽ tập trung ở các khu vực thành thị vào năm 2025 (so với mức 34% trong năm 2015) và 26% dân số sẽ tập trung ở các thành phố thứ cấp (5-10 triệu dân cư) vào năm 2025 (so với mức 19% trong năm 2015) .

Đến năm 2025, nhóm dân số có độ tuổi từ 50 trở lên sẽ tăng thêm hơn 7 triệu người, đóng góp 29% vào tổng số dân toàn quốc (so với mức 22% trong năm 2015).

Điều này cho thấy Việt Nam đang và sẽ trải qua giai đoạn già hóa dân số, cùng với đó, nông thôn và các thành phố thứ cấp sẽ là tiêu điểm trong tương lai.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, tập trung chủ yếu vào 5 xu hướng mới.

Thứ nhất, lối sống bận rộn, quy mô hộ gia đình nhỏ hơn nhưng giàu có hơn tạo nhu cầu lớn cho sự tiện dụng. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn và thường xuyên hơn ở các cửa hàng có định dạng nhỏ.

Thứ hai, người tiêu dùng mong muốn sự cao cấp hơn. Có 60% các ngành hàng tiêu dùng nhanh cho thấy sự tăng trưởng trong phân khúc cao cấp. Đối với người tiêu dùng thì khái niệm cao cấp không chỉ đơn thuần là nói về giá.

Thứ ba, theo Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam sẽ đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao. Theo đó, người tiêu dùng Việt mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, do đó họ dành chi tiêu cho nhiều ngành hàng khác, không đơn thuần chỉ là các sản phẩm tiêu dùng nhanh nữa. Các khoản mục lớn sẽ là sự ưu tiên của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện tại.

Thứ tư, sức khỏe và sự an khang sẽ ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên. Đây cũng là tiêu chí nằm trong Top 3 mối quan tâm lớn nhất của người Việt. Từ đó, người tiêu dùng đang thay đổi quan điểm ăn uống của mình và họ mong muốn có nhiều sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên hơn.

Thứ năm, kết nối với thế giới đang dần trở thành một điều hiển nhiên. Người tiêu dùng hiện nay dành thời gian tương đương với 3 ngày làm việc mỗi tuần để tương tác trên internet, họ truy cập internet mọi lúc mọi nơi.

"Đến năm 2020, 55% dân số Việt Nam hoàn toàn có khả năng truy cập intetnet", Nielsen nhận định.

Công ty này cũng dự báo cấu trúc của thị trường Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn, với sự đa dạng của các kênh thương mại. Cụ thể, kênh thương mại truyền thống vẫn là kênh chủ đạo cùng với sự phát triển của phân khúc các nhà bán sỉ - lẻ.

Hiện có 1,5 triệu cửa hàng bán lẻ truyền thống, đóng góp 83% vào tổng doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tốc độ tăng trưởng các cửa hàng truyền thống trong năm 2016 so với một năm trước đó là 2%. Hiện, cũng có đến 25.371 cửa hàng bán sỉ lẻ.

Song song với đó, kênh thương mại hiện đại, đặc biệt là phân khúc các cửa hàng định dạng nhỏ đang tăng trưởng vượt bậc. Theo thống kê của Nielsen, hiện có trên 4.200 cửa tiệm hiện đại tại Việt Nam, 389 siêu thị và đại siêu thị, trên 3.800 của hàng định nhỏ. Tốc độ tăng trưởng cửa hàng tháng 4/2018 so với một năm trước đó lên đến 41,2%.