15:13 13/04/2018

Năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Duyên Duyên

Nâng cao năng suất là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia và chỉ có tăng năng suất, Việt Nam mới có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Ông Ngô Văn Tuấn.
Ông Ngô Văn Tuấn.

Nâng cao năng suất là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia và chỉ có tăng năng suất, Việt Nam mới có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Năng suất lao động thấp, Việt Nam nguy cơ tụt lại phía sau

Ngày 13/4, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn CEO năm 2018 với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế".

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể.

Năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 ước đạt 92,1 triệu đồng, tương đương khoảng 4.100 USD/lao động, tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011-2016 và cao hơn nhiều so với mức tăng 3,45%/năm giai đoạn 2006-2010.

Đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Chỉ tính riêng các năm 2016 - 2017, TFP ước tăng 2,26%, đóng góp khoảng 35,4% vào tăng trưởng kinh tế.

"Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận thành tích tăng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, mà chưa phải là sự cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á khác và vẫn thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%).

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lo ngại năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với nhu cầu phát triển.

Cụ thể, với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011-2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau, khi mà tốc độ tăng năng suất đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ, và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm.

"Có nghĩa là chi phí sản xuất ở Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn và điều này tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hoá khi mà nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế", ông Ngô Văn Tuấn nói.

Năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Cải thiện năng suất lao động bằng cách thu hút vốn FDI

Dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 1/2018: "Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút. Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo"; ông Ngô Văn Tuấn khẳng định, nâng cao năng suất là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia và chỉ có tăng năng suất, Việt Nam mới có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, với những nước đang trong giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam thì giải pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất để tăng nhanh năng suất lao động là thu hút FDI vào các hoạt động dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có giá trị cao hơn.

Đồng thời, kết nối những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia thông qua trao đổi thông tin, cải tiến kỹ năng và chuyển giao công nghệ.

"Chúng ta cần có những chiến lược mới, định hướng mới trong việc thu hút FDI để khu vực này đóng vai trò quan trọng hơn trong việc chuyển giao - nắm bắt công nghệ, tăng năng suất lao động cho nền kinh tế, nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân 5,5%/năm; có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020", ông Tuấn khuyến nghị.