08:42 02/03/2014

Nga nhất trí đưa quân vào Ukraine

Tâm Anh

Putin nói với Obama, Nga có quyền bảo vệ quyền lợi cũng như người dân nói tiếng Nga

Tổng thống Nga Putin cho rằng, "có mối đe dọa thật sự lớn đối với cuộc sống của các công dân Nga ở Ukraine" - Ảnh: Telegraph.<br>
Tổng thống Nga Putin cho rằng, "có mối đe dọa thật sự lớn đối với cuộc sống của các công dân Nga ở Ukraine" - Ảnh: Telegraph.<br>
Trong phiên họp bất thường hôm 1/3, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) đã chấp thuận đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin về việc sử dụng các lực lượng vũ trang của Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Hãng thông tấn Itar-Tass cho biết, các nghị sỹ Nga đã nhất trí thông qua đề nghị "sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine, cho đến khi tình hình chính trị xã hội ở nước này bình thường trở lại" được Tổng thống Putin đưa ra trước "diễn biến bất thường ở Ukraine và mối đe dọa đến tính mạng công dân Nga".

Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Đề nghị của ông Putin được dựa trên điểm G trong phần đầu của điều 102 Hiến pháp Nga, theo đó cho phép sử dụng quân đội Nga vượt ra khỏi biên giới đất nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết rằng, quốc gia này cần phải bảo vệ cho những nhân viên đang làm việc tại Hạm đội Biển Đen, và việc đó là "hoàn toàn phù hợp với những hiệp ước quốc tế".

Theo một thông cáo từ Kremlin, Tổng thống Nga đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng, Nga có quyền bảo vệ quyền lợi cũng như người dân nói tiếng Nga. Ông cho biết, "có mối đe dọa thật sự lớn đối với cuộc sống của các công dân Nga ở Ukraine". Nhà lãnh đạo Nga cũng lên tiếng cáo buộc chính quyền lâm thời ở Kiev ủng hộ “hành động tội phạm và cực hữu".

Còn trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, trong trường hợp gia tăng những hành động bạo lực đối với dân số nói tiếng Nga tại các tỉnh miền Đông Ukraine và ở bán đảo Crimea, Nga sẽ không thể đứng ngoài cuộc và sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho biết, việc Thượng viện Nga cho phép Tổng thống Vladimir Putin sử dụng quân đội tại Ukraine không có nghĩa rằng việc này sẽ được triển khai nhanh chóng.

Trong khi đó, tại Ukraine, Tổng thống tạm quyền Oleksander Turchinov đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia. Đêm qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp về vấn đề Nga cho phép triển khai quân đội ở Ukraine, trong khi Liên minh châu Âu dự kiến tiến hành cuộc họp với các nước thành viên vào ngày 3/3 tại Brussel, Bỉ.

Một số nước đã bắt đầu lên tiếng phản ứng trước quyết định của Nga. Phát biểu hôm qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh William Hague cho rằng việc Nga cho phép sử dụng quân đội tại Ukraine là “đe dọa nghiêm trọng tiềm tàng” tới chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. "Chúng tôi lên án bất kỳ hành động xâm lược nào nhằm vào Ukraine", ông nói.

Trước đó, tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama cảnh báo, mọi hành động quân sự của Nga vào Ukraine sẽ phải trả giá đắt. Các biện pháp trừng phạt Mỹ có thể áp dụng nếu Nga can thiệp quân sự vào Ukraina gồm hủy chuyến thăm của ông Obama đến Nga dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 vào tháng 6 tới tại Sochi, ngừng những cuộc đàm phán về buôn bán.

Hiến pháp Nga quy định, việc sử dụng quân đội ở nước ngoài chỉ cần Hội đồng Liên bang phê chuẩn, mà không nhất thiết được Duma quốc gia (Hạ viện) nhất trí. Tuy vậy, trên thực tế, chiều 1/3, Duma quốc gia Nga cũng đã yêu cầu Tổng thống Putin thực thi các biện pháp ổn định tình hình ở Crimea thuộc Ukraine và bằng mọi khả năng bảo vệ người dân địa phương.

Trong một tuyên bố được đọc trên đài truyền hình quốc gia, Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin nhấn mạnh rằng, "Duma quốc gia Nga đề nghị ngài Tổng thống thực thi những biện pháp nhằm ổn định tình hình trên bán đảo Crimea thuộc Ukraine và sử dụng "mọi khả năng" để bảo vệ người dân địa phương khỏi những hành động bạo lực và vô pháp luật".

Cùng ngày, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cũng tuyên bố tình thế hiện nay có thể cho phép Nga đưa một số lượng quân hạn chế để đảm bảo an toàn cho Hạm đội Biển Đen và các công dân Nga. "Căn cứ vào tình hình hiện tại thì kịch bản như vậy là không thể loại trừ. Chúng ta phải bảo vệ người dân", ông Valentina Matviyenko tuyên bố.

Cũng trong phiên họp bất thường hôm 1/3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko đã yêu cầu ủy ban đối ngoại thuộc cơ quan này đề nghị Tổng thống Putin triệu hồi Đại sứ Nga tại Mỹ về nước.

Trong một diễn biến khác, ngày 1/3, Thủ tướng khu tự trị Crimea Sergiy Aksyonov cho biết, ông đã đề nghị Tổng thống Nga giúp khôi phục "hòa bình và sự yên tĩnh" cho khu vực Crimea. "Cân nhắc trách nhiệm của cá nhân tôi đối với sự sống và an ninh của công dân, tôi đã đề nghị Tổng thống Nga Putin giúp đảm bảo hòa bình và sự yên tĩnh trên lãnh thổ Crimea", ông nói.

Đáp lại lời khẩn cầu của ông Sergiy Aksyonov, các hãng thông tấn Nga cùng ngày đã dẫn một nguồn tin từ Kremlin nói rằng, "nước Nga sẽ không bỏ mặc đề xuất này".