Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ vì vụ mưu sát cựu điệp viên
Vì vụ mưu sát cựu điệp viên hai mang người Nga ở Anh, Moscow và phương Tây mạnh tay trục xuất ngoại giao lẫn nhau
Nga ngày 29/3 tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và nói sẽ trục xuất hàng chục nhà ngoại giao của các quốc gia khác đã cùng London và Washington cáo buộc Moscow giật dây vụ ám sát bất thành một cựu điệp viên hai mang người Nga ở Anh.
Hãng tin Reuters cho biết, Chính phủ Nga cũng yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở thành phố St. Petersburg, trong động thái trả đũa đối với việc phương Tây có đợt trục xuất nhà ngoại giao Nga lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh.
Trước đó, Mỹ, Anh và một loạt quốc gia đồng minh phương Tây của hai nước này đã trục xuất tổng cộng hơn 100 nhà ngoại giao Nga vì cho rằng Nga đứng sau vụ mưu sát cha con cựu điệp viên Sergei Skripal bằng chất độc thần kinh tại thành phố Salisbury, Anh.
Đáp trả việc Nga trục xuất nhà ngoại giao Mỹ, Washington phát tín hiệu có thể sẽ trả đũa vì "hành động đáng tiếc và vô căn cứ" của Moscow, đặt ra khả năng cuộc khủng hoảng ngoại giao này có thể tiếp tục leo thang.
"Chúng tôi có quyền đáp trả mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đang xem xét các lựa chọn", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố.
Số nhà ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất vào đầu tuần này là 60 người. Washington nói những nhà ngoại giao này thực chất là các nhân viên tình báo Nga.
"Cùng với các quốc gia khác, Mỹ ra quyết địch trục xuất các gián điệp Nga", bà Nauert phát biểu. "Chúng tôi không cho đây là một hành động ‘ăn miếng trả miếng’ ngoại giao".
Về phần mình, Nga phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc của phương Tây về vụ hạ độc ông Skripal và con gái của ông này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ trục xuất các nhà ngoại giao của các quốc gia khác đã trục xuất nhà ngoại giao Nga, với số lượng tương xứng. "Đối với các nước khác, mọi thứ sẽ cân xứng về số người bị trục xuất khỏi phái bộ ngoại giao của họ tại Nga", ông Lavrov phát biểu.
Ngoài Mỹ, các quốc gia bị Nga trục xuất nhà ngoại giao dự kiến bao gồm Pháp, Đức, Ba Lan mỗi nước 4 người; Ukraine 13 người; Đan Mạch, Albania và Tây Ban Nha mỗi nước 2 người…. Đối với Anh, Moscow đã đáp trả tương xứng sau khi London trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga.
Vào hôm 4/3, ông Skripal, 66 tuổi, và con gái Yulia, 33 tuổi, được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên một chiếc ghế dài ở thành phố Salisbury thuộc miền Nam nước Anh. Hiện cha con nhà Skripal đang nằm viện, trong đó người cha vẫn trong tình trạng nguy kịch, nhưng sức khỏe người con đã khá hơn.
Đây được xem là vụ tấn công đầu tiên bằng vũ khí hóa học được phát hiện trên đất châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Trước đây, ông Skripal đã cung cấp thông tin về hàng chục gián điệp Nga cho Anh, rồi bị bắt ở Moscow và bỏ tù vào năm 2006. Ông được thả tự do vào năm 2010 theo một thỏa thuận trao đổi điệp viên và sống tị nạn ở Anh.
Theo kết quả điều tra của Anh, chất độc thần kinh Novichok do Liên Xô sản xuất đã được sử dụng trong vụ mưu sát cha con nhà Skripal, theo đó cáo buộc đây là hành động do Moscow đứng sau.
Nga thì nói Anh không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào để chứng minh cáo buộc trên. Moscow cho rằng London và Washington đang gây sức ép buộc các quốc gia khác tham gia vào một chiến dịch "reo rắc nỗi sợ vô căn cứ về Nga" và điều này có thể kéo hai bên vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Trong tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ ngày 29/3, Ngoại trưởng Lavrov nói vụ hạ độc cha con Skripal đã bị lợi dụng bởi "trục Anh-Mỹ nhằm lôi kéo mọi người vào con đường bài Nga".
Cảnh sát chống khủng bố của Anh tin rằng loại chất độc thần kinh cấp độ quân sự được dùng để hạ độc cựu điệp viên hai mang đã được bỏ trước cửa nhà của cha con Skripal, một ngôi nhà nằm trên một con phố yên tĩnh ở Salisbury.
"Các chuyên gia đã nhận diện mật độ lớn của chất độc thần kinh này ở cửa trước của ngôi nhà", Sở cảnh sát London (Scotland Yard) nói trong một tuyên bố.