Ngân hàng đau đầu lo tăng vốn đáp ứng basel II
Mức vốn hiện tại không đáp ứng đủ hệ số theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, basel II
Tuần qua, bốn ngân hàng thương mại Nhà nước liên tục kêu thiếu vốn. Điều này sẽ xảy ra một trong hai tình huống: nếu tiếp tục tăng trưởng tín dụng như chỉ tiêu được giao, sẽ vi phạm chuẩn mực vốn của ngân hàng Nhà nước; ngược lại, sẽ sụt giảm tín dụng, ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Vấn đề tăng vốn của 4 ngân hàng Thương mại Nhà nước, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được phản ánh ở mức độ bức thiết tại các hội nghị toàn ngành và hội nghị từng ngân hàng.
Lý do là mức vốn hiện tại không đáp ứng đủ hệ số theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, basel II, kéo theo việc hãm đà tăng tín dụng ở nhóm này khi quy mô của nhóm được xác lập xấp xỉ 51% thị phần toàn hệ thống (nguồn: Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017 - Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia).
Đặt nhiều mục tiêu lớn
Ngày 12/1/2018, tại hội nghị triển khai công tác năm 2018, Vietcombank đặt nhiều mục tiêu tăng trưởng như: tổng tài sản tăng khoảng 14%; huy động vốn: 17%; tín dụng: 16%, nợ xấu: dưới 1%; lợi nhuận trước thuế: 12 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, mức tăng trưởng tín dụng dựa trên định hướng của Chính phủ giao cho ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng cả năm tăng khoảng 17% - 18% và sau đó là chỉ tiêu phân bổ của ngân hàng Nhà nước.
Đại diện Vietcombank cho biết thêm, năm 2018 mở ra cơ hội tốt hơn so với 2017 khi hoạt động kinh doanh ngân hàng được dự báo tiếp tục khả quan trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhịp độ cao; các ngân hàng đang quyết liệt triển khai tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn mực basel II theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước.
Chưa kể, theo lộ trình, Vietcombank đã triển khai chương trình basel II từ nhiều năm nay, triển khai 24/37 sáng kiến với mục tiêu đảm bảo là ngân hàng tiên phong trong việc tuân thủ các quy định và mốc thời gian theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước.
Đến nay, phần lớn sáng kiến triển khai đã có kết quả ứng dụng trong hoạt động quản trị - kinh doanh; ngoại trừ, mức vốn điều lệ là chưa đủ. Cùng đó, ngày 15/1, VietinBank tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018, tại đây, ngân hàng cũng đặt nhiều chỉ tiêu lớn trong năm nay.
Cụ thể, theo ông Lê Đức Thọ, TGĐ ngân hàng, năm 2018, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng như sau: tổng tài sản 15% - 17%; nguồn vốn huy động: 18% - 20%; dư nợ tín dụng: 16 - 17% và nợ xấu dưới 2%/tổng dư nợ.
Ngoài ra, các ngân hàng như BIDV, Agribank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 17% - 18%.
Xoay xở đủ kiểu
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 do ngân hàng Nhà nước tổ chức, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, vấn đề tăng vốn của VietinBank hiện rất cấp bách, nếu trong quý I/2018 mà không tăng đủ vốn, hệ số CAR sẽ tụt xuống dưới mức tối thiểu so với yêu cầu của ngân hàng Nhà nước và basel II.
Và do vậy, sẽ rất khó khăn đối với việc tăng trưởng tín dụng để phục vụ nền kinh tế. Hiện tại, VietinBank đã xoay xở nhiều giải pháp như bán bớt phần vốn nhà nước, duy trì tỷ lệ sở hữu của cổ đông đặc biệt này ở mức 64,5%.
Cùng đó, cơ cấu lại vốn tự có cấp I, vốn cấp II, phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp II, cấu trúc lại danh mục tài sản có. "VietinBank hiện trông chờ vào các cổ đông góp vốn để tăng vốn nhằm đảm bảo các mục tiêu nêu trên", ông Thắng phân trần.
Ông Thắng cũng đề xuất một số phương án tăng vốn như sau: cho phép VietinBank giữ lại lợi nhuận bằng cổ tức nhưng chia bằng cổ phiếu; bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng theo đề xuất mà ngân hàng đã trình ngân hàng Nhà nước và Chính phủ; đồng thời, Chính phủ dùng các nguồn khác như quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để bổ sung vốn cho ngân hàng.
Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cũng có chung mong muốn tăng vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mọi mặt của Vietcombank nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, vấn đề đáp ứng đủ mức vốn pháp định của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước hiện đang hết sức bức thiết. Cụ thể, đến cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản "có" rủi ro điều chỉnh là 8%.
Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3% trong khi vốn tự có ước tăng 4,6%.
Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II thì nhu cầu tăng vốn của các tổ chức tín dụng là rất lớn, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại do nhà nước sở hữu.