Ngân hàng Nhà nước nói gì về áp lực tỷ giá trong nửa cuối 2023?
Trao đổi với VnEconomy, đại diện vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả 2 chiều, phù hợp với điều kiện thị trường và nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hấp thu cú sốc bên ngoài....
Theo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước, từ giữa tháng 11/2022, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm bớt (Fed phát tín hiệu giảm dần mức độ tăng lãi suất, DXY giảm gần 11% so với mức cao nhất năm 2022). Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ giá giao dịch USD/VND thị trường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2023, khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại.
TÌM ĐIỂM CÂN BẰNG GIỮA TỶ GIÁ, LÃI SUẤT VÀ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
Mặc dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cân đối cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định, được cải thiện so với năm 2022. Thứ nhât, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại ước xuất siêu 20,19 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên chủ yếu do xuất khẩu giảm 10% trong khi nhập khẩu giảm mạnh hơn 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ hai, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thứ ba, tính chung 8 tháng đầu năm 2023, chuyển tiền kiều hối về nước ước đạt 10,126 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022”.
Trong thời gian tới, việc Fed vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao, có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa cũng như những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Tuy nhiên, nhà điều hành khẳng định cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt của cơ quan này là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính chung 8 tháng đầu năm 2023, chuyển tiền kiều hối về nước ước đạt 10,126 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022
Nhận định về diễn biến vĩ mô trong nước và thế giới trong 4 tháng còn lại của năm 2023, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh vẫn chưa thể chủ quan với áp lực lạm phát bởi những yếu tố sau.
Một là, tháng 8/2023, lạm phát CPI tăng 0,88% so với tháng trước, là mức tăng tương đối cao (chủ yếu do giá lương thực thực phẩm, giá dầu tăng theo giá thế giới; giá thuê nhà tăng do nhu cầu, cùng với yếu tố mùa vụ dịp khai giảng khiến giá nhóm giáo dục tăng cao). Dự kiến giá nhiên liệu, lương thực thế giới (sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt El-Nino, căng thẳng địa chính trị, sự thay đổi chính sách kinh tế, thương mại của một số quốc gia…
Hai là, trong tháng 7-8/2023, các tổ chức IMF, EIA điều chỉnh tăng dự báo giá dầu bình quân năm 2023; Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể tăng lên đến 107 USD/thùng trong trường hợp OPEC+ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng dầu trong năm 2023 đến hết năm 2024.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, nhà điều hành chia sẻ về định hướng chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2023.
Trong bối cảnh Fed vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao và có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều đồng tiền tiếp tục xu hướng mất giá so với USD như giai đoạn năm 2022. Đồng tiền của một số nền kinh tế gặp khó khăn và đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ như Trung Quốc, Nhật Bản mất giá mạnh so với USD. Tính đến ngày 08/09/2023, so với cuối năm 2022, tỷ giá các đồng tiền so với USD diễn biến như sau: VND (-2,06%); TWD (-4,25%); THB (-3,04%); JPY (-12,67%); KRW (-5,08%); PHP (-1,94%); MYR (-6,3%); CNY (-6,26%); EUR (0,35%); GBP (3,55%).
LÃI SUẤT CHO VAY USD VẪN THẤP HƠN VND
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.
Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1%/năm so với cuối năm 2022); hiện ở mức khoảng 8,4%/năm. Lãi suất cho vay USD vẫn thấp hơn lãi suất cho vay VND, hiện ở mức khoảng 5%/năm.
Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước, thì dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay VND sẽ tiếp tục giảm.
Đến 8/9, lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới bằng VND ở mức 8,4%/năm trong khi lãi suất cho vay USD khoảng 5%/năm.
“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh”, nhà điều hành cho biết.
Liên quan đến việc đồng Nhân dân tệ (CNY) đang mất giá mạnh và tác động đến tỷ giá VND/USD, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 2 tác động chính.
Thứ nhất, CNY mất giá có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND thông qua ảnh hưởng tâm lý, kỳ vọng thị trường về xu hướng mất giá của đồng tiền so với USD cũng như quan ngại về khả năng dòng tiền chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi.
Thứ hai, thị trường dự kiến việc đồng CNY mất giá sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc theo hướng tăng nhập siêu cho Việt Nam, tạo áp lực nhất định lên tỷ giá.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết với cơ chế điều hành theo tỷ giá trung tâm của Việt Nam, tỷ giá trung tâm diễn biến trên cơ sở tham chiếu diễn biến của giỏ đồng tiền của các đối tác thương mại lớn với Việt Nam, trong đó bao gồm Trung Quốc. Theo đó, tỷ giá trung tâm phản ánh được diễn biến thị trường quốc tế nói chung, bao gồm diễn biến căng thẳng thương mại quốc tế, diễn biến CNY và các đồng tiền khác.
“Việc điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp, can thiệp ngoại tệ linh hoạt, chủ động cùng với các biện pháp khác của Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường, quá mức đối với tỷ giá thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế thời gian vừa qua, mặc dù CNY và nhiều đồng tiền châu Á khác biến động mạnh nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ”, nhà điều hành khẳng định.