09:48 02/05/2019

Nghị quyết số 10 về kinh tế tư nhân có tác động lớn thế nào?

Nhóm phóng viên

Nghị quyết 10 đã thực sự cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân

Nghị quyết số 10 về kinh tế tư nhân được ra đời trong bối cảnh, quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 10 về kinh tế tư nhân được ra đời trong bối cảnh, quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mùa hè năm 2017, lần đầu tiên, Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân. Nghị quyết này mang tên Nghị quyết 10, ngày 3/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Có lẽ không phải ngẫu nhiên nghị quyết này mang số 10, con số luôn được xem là hoàn hảo nhất. Trong quá khứ, Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành ngày 5/4/1988 đi vào lịch sử khi tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu thốn lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, cũng mang số 10.

Nghị quyết số 10 về nông nghiệp của hai mươi năm trước đã trở nên rất đỗi thân thuộc với người dân nhiều thế hệ bằng cái tên "khoán 10". Giờ đây, Nghị quyết 10, ngày 3/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", đang được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực. Dù mới chỉ qua 2 năm thực hiện nhưng không khó để dự đoán, tương tự như "khoán 10", "bản giao hưởng số 10" cũng sẽ đi vào lịch sử.

Nghị quyết số 10 về kinh tế tư nhân được ra đời trong bối cảnh, quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, Đảng luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện phát triển các thành phần kinh tế.

Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển.

Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TƯ, ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân", kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, trở thành lực lượng quan trọng đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án tổng kết nghị quyết này, trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII ban hành Nghị quyết 10-NQ/TƯ ngày 3/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Triển khai nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98-NQ/CP, ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ. Trong 2 năm qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và nhiều giải pháp đã được triển khai để cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc góp phần phát triển kinh tế tư nhân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng".

Chương trình hành động của Chính phủ

Nghị quyết 98 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TƯ ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, giao rõ cho 4 Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ trực tiếp "xông pha" cùng doanh nghiệp tư nhân. Tất cả các bộ và địa phương cũng không được đứng ngoài cuộc.

Các con số của Chương trình hành động này cũng được nêu ra rất cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, trong cuộc chiến không khoan nhượng với giấy phép con, Chính phủ đưa ra "tối hậu thư" là, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Nỗ lực này đã mang lại kết quả là về môi trường kinh doanh toàn cầu, năm 2018 Việt Nam đã tăng từ vị trí 90/189 nền kinh tế năm 2015 lên vị trí 82/190 năm 2016 và đạt vị trí 68/190 trong năm 2017 và giảm một bậc xuống vị trí 69/190 năm 2018. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng từ vị trí 56/140 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015 lên vị trí 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2017 với 10/12 trụ cột được cải thiện về chỉ số so với năm trước. Năm 2018, theo cách đánh giá mới, chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77) nhưng điểm tuyệt đối cải thiện 0,2 điểm với 4/12 trụ cột tăng điểm.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng yêu cầu tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của từng bộ, cơ quan, địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi và tổng hợp theo quy định.

Yêu cầu này đã được các địa phương triển khai đồng loạt, nhiều địa phương đối thoại với doanh nghiệp theo hàng tuần, hàng tháng chứ không phải chỉ là hai lần/năm.

Chấm dứt thời kỳ phân biệt đối xử

Điểm nhấn tạo sự khác biệt, có giá trị gia tăng hơn của Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì so với các diễn đàn về kinh tế tư nhân do các cơ quan khác tổ chức, sẽ là sự xuất hiện ấn tượng của Báo cáo về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII.

Đây là bản Báo cáo được Ban Kinh tế Trung ương xây dựng khá công phu trên cơ sở Báo cáo giám sát thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Kinh tế Trung ương; kết quả lấy ý kiến của khoảng 500 doanh nghiệp tư nhân thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực trong cả nước, báo cáo của các bộ, ngành và báo cáo chuyên đề sau các kì Diễn đàn đối thoại công - tư do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tổ chức.

Bản Báo cáo cho biết về khối lượng công việc khổng lồ cũng như những nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị trong hai năm qua để thực hiện mục tiêu mang đến sự bứt phá toàn diện cho khu vực kinh tế tư nhân, chấm dứt thời kỳ phân biệt đối xử đối với khu vực kinh tế này. Chẳng hạn, về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.

Môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện; cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân, thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được Chính phủ ban hành như Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cũng như những giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực và quy mô lớn trong nước.

Đặc biệt trong việc mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, khung pháp luật và chính sách được ban hành và sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua đã hướng đến mục tiêu thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước; kiểm soát, ngăn chặn, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp; tăng cường cải cách, thu hẹp những ngành lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ đã tạo điều kiện hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng bình đẳng, thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp của tư nhân.

Về cơ bản, các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đã không còn có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế, kể cả trong tiếp cận các nguồn lực cho phát triển kinh doanh.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quy định liên quan đến cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và cổ phần, vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn điều lệ thành công ty cổ phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kể cả đối với các tập đoàn, tổng công ty, tham gia cung ứng dịch vụ công trong nhiều lĩnh vực. 

Các nhà đầu tư tư nhân cũng được khuyến khích để trở thành các nhà đầu tư chiến lược đối với các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thông qua cơ chế thuận lợi hơn so với quy định trước đó. Hiện tại, đề án khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia rộng rãi thị trường mua sắm công, cung cấp dịch vụ công, nâng cao tính công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng đã được dự thảo và đang lấy ý kiến để hoàn thiện.

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là giao thông, năng lượng, viễn thông, đô thị, cấp, thoát nước, thuỷ lợi, xử lý chất thải, dịch vụ hậu cần và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận, sử dụng bình đẳng, với chi phí hợp lý, khu vực tư nhân ngày càng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông qua các hình thức đối tác công - tư, đấu thầu xây dựng... Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Thị trường đất đai, bất động sản được chú trọng phát triển ổn định, đồng bộ hơn; mở rộng các quyền và nghĩa vụ của các đối tượng kinh tế tư nhân liên quan đến đất đai, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thị trường tài chính được cơ cấu lại nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Chính phủ và các cơ quan liên quan đã có những quy định, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của kinh tế tư nhân và đã đạt được những kết quả tích cực...

Trong 2 ngày, 2 và 3/5/2019, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019 với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ" để đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân.