09:44 21/01/2018

Nghị sỹ tại APPF nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì tự do hàng hải

Hà Vũ

Tuyên bố Hà Nội đánh dấu 25 năm thành lập và định hướng tương lai của APPF trong thập niên tiếp theo đến năm 2030

APPF đã họp phiên bế mạc chiều 20/1.
APPF đã họp phiên bế mạc chiều 20/1.

Trong tuyên bố Hà Nội vừa được thông qua chiều 20/1, các nghị sỹ tham dự diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, an ninh an toàn hàng hải, hàng không.

APPF cũng kêu gọi các quốc gia giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, các thỏa thuận có liên quan, bao gồm Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS).

Tuyên bố Hà Nội ghi nhận rằng APPF hiện đang đứng trước một bước ngoặt then chốt, và diễn đàn sẽ cần phải cải cách chính bản thân để phục vụ tốt hơn nhu cầu đối thoại và hợp tác giữa các thành viên và đóng góp nhiều hơn nữa vào hợp tác đa phương ở khu vực và toàn cầu. Bao gồm thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu.

"Chúng tôi tin rằng APPF sẽ góp phần định hình một tầm nhìn chiến lược và đầy khát vọng, góp phần duy trì và củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời, đẩy mạnh các nỗ lực đa phương nhằm thích ứng với các thách thức mới. Để thực hiện được tầm nhìn này, chúng tôi tái khẳng định rằng hòa bình, ổn định và an ninh là những tiền đề của phát triển bền vững", bản tuyên bố nêu rõ.

Các nghị sỹ APPF cũng tin rằng trong một khu vực ngày càng kết nối hơn, một trong những mục tiêu quan trọng của các hoạt động của diễn đàn là tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, và các cộng đồng người dân địa phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội cũng như là thúc đẩy phát triển bao trùm hơn trong các xã hội vì lợi ích chung.

Tại Tuyên bố Hà Nội, các nghị sỹ trong khu vực cam kết thúc đẩy hơn nữa phạm vi hoạt động của APPF và xây dựng một mối quan hệ đối tác nghị viện có trách nhiệm hướng tới tương lai của một cồng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững.

"Chúng tôi nhấn mạnh các cam kết của các nghị viện thành viên đối với các mục tiêu và lợi ích chung, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đa dạng hóa chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố pháp quyền và luật pháp quốc tế", bản Tuyên bố nêu rõ.

Các nghị sỹ cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác trên tinh thần đối thoại mang tính xây dựng và thẳng thắn, cùng chấp nhận nhau, hòa hợp, hỗ trợ chung, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc và và luật pháp quốc tế.

Các nước thành viên APPF tiếp tục tiên phong trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới, ngăn chặn xung đột và tìm kiếm các giải pháp chấm dứt xung đột, thúc đẩy đối thoại, xây dựng niềm tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Với tuyên bố này, các nghị sỹ còn nhấn mạnh việc tăng cường đối thoại và hành động chung nhằm giải quyết các đối đe dọa an ninh phi truyền thống, bao gồm cả an ninh lương thực, năng lượng, cải thiện hợp tác trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bao gồm quản lý tổng hợp và sử dụng bền vững đất, rừng, biển và nguồn nước, thông qua các hoạt động hợp tác xuyên biên giới và nỗ lực chung.

Một nội dung khác cũng được nhấn mạnh là tầm quan trọng của sự đóng góp của các nước thành viên APPF trong các nỗ lực chung nhằm phòng chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Bản tuyên bố kêu gọi chính phủ các nước thành viên APPF nỗ lực hơn nữa và phối hợp trong việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Huy động đầy đủ các nguồn lực cho các dự án đầu tư vào công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm điện, thể hiện tinh thần trách nhiệm và đóng góp vào các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Với tuyên bố này, VPPF còn kêu gọi thúc đẩy cải cách cơ cấu, tạo thuận lợi cho kinh doanh, thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, nguồn nhân lực chất lượng, giáo dục, đào tạo việc làm và kỹ năng với mục tiêu nâng cao năng lực lực lượng lao động trong kỷ nguyên số.

Tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư mở và tự do, hướng tới một khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương kết nối và gắn kết toàn diện; thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng, có sức chống chịu, liên kết tiểu vùng và các vùng sâu vùng xa.

Các nghị sỹ tái khẳng định cam kết ủng hộ hệ thống đa phương dựa trên quy tắc, tự do, mở, minh bạch và bao trùm; cam kết kêu gọi các chính phủ hạn chế áp đặt các biện pháp bảo hộ mới. Tăng cường tính sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tạo điều kiện cho các MSMEs tiếp cận về vốn, công nghệ và quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách và khung pháp lý về khởi nghiệp và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các MSMEs.