16:56 06/11/2017

Nghị trường chất vấn: Chọn ai và như thế nào?

Hà Vũ

Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không nằm trong danh sách dự kiến các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn

Quốc hội trong một phiên chất vấn trực tiếp tại nghị trường - Ảnh: VNN.
Quốc hội trong một phiên chất vấn trực tiếp tại nghị trường - Ảnh: VNN.

Mặc dù đang có nhiều vấn đề nổi lên liên quan đến lĩnh vực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nhưng tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không nằm trong danh sách dự kiến các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này.

Lý do đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo về cách thức tổ chức chất vấn, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội ngày hôm nay (6/11).

Trước đó, tính đến sáng 2/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 59 văn bản đề xuất của đoàn đại biểu Quốc hội với 115 nhóm vấn đề; 43 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội với 53 câu hỏi chất vấn, cùng với tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đối với 24 nhóm lĩnh vực, tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 với 147 nhóm vấn đề.

Căn cứ lựa chọn

Theo báo cáo, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành chất vấn đối với 4 bộ trưởng, trưởng ngành.

Trước khi tiến hành chất vấn, Quốc hội sẽ nghe Trưởng ban Dân nguyện trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ có báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.

Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, tạo cơ sở giám sát việc thực hiện.

Cách thức tổ chức là lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời, tạo điều kiện đối thoại sâu, đi đến cùng vấn đề được chất vấn.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo rõ với đại biểu về căn cứ lựa chọn vấn đề chất vấn.

Theo đó, việc đề xuất nhóm vấn đề chất vấn dựa trên cơ sở tổng hợp một số nguồn thông tin sau: ý kiến đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.

Không quá 12 tháng

Về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, là những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm.

Vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung, thì cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét cho trả lời tại kỳ họp Quốc hội.

Quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn.

Theo đó, một số vấn đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề cuối năm 2016, trong năm 2017, những vấn đề đã được chất vấn từ kỳ họp thứ 2 trở lại đây và những nội dung sẽ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong năm 2018 như vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, quản lý sử dụng vốn vay nước ngoài thì không đưa vào lựa chọn ưu tiên.

Tiêu chí nữa là phải phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn.

Không trả lời thay

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết tiêu chí lựa chọn người được chất vấn.

Cụ thể, sẽ lựa chọn người được chất vấn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người được chất vấn có trách nhiệm trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.

Trường hợp có lý do đặc biệt, chính đáng khiến không thể tham dự phiên họp thì người bị chất vấn gửi văn bản nêu rõ lý do đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.

Về việc tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể không nằm trong danh sách 5 vị được dự kiến trả lời chất vấn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ mới được Quốc hội phê chuẩn.

Do vậy, mặc dù có nhiều vấn đề tổng hợp nổi lên liên quan đến lĩnh vực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Thanh tra Chính phủ phụ trách, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa chất vấn Bộ Giao thông Vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ tại kỳ họp này.