10:15 13/05/2011

Ngôi Tổng giám đốc IMF, cờ sẽ về tay ai?

Hồng Ngọc

Giới phân tích cho rằng, việc đương kim lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế ra tranh cử Tổng thống Pháp là cơ hội tốt cho châu Á

Liệu truyền thống lãnh đạo IMF là người châu Âu có thay đổi?
Liệu truyền thống lãnh đạo IMF là người châu Âu có thay đổi?
Theo trang Asia Sentinel, hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra trong tuần qua tại Hà Nội là một dịp tốt cho việc vận động chính trị hướng tới chiếc ghế Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi đương kim lãnh đạo tổ chức này dự kiến sẽ rút lui để tranh cử Tổng thống Pháp.

Từ khi được bầu chọn làm Tổng giám đốc IMF đầu tháng 11/2007 đến nay, uy tín của ông Dominique Strauss-Kahn đã không ngừng lên cao. Trong vai trò một quan chức toàn cầu, ông đã chèo lái thành công IMF, xử lý đúng đắn vai trò của tổ chức tiền tệ này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và nhất là khủng hoảng nợ công ở châu Âu mới đây.

Ông Strauss-Kahn đã giành được cảm tình của tất cả 27 thành viên Liên minh châu Âu cùng với Mỹ, châu Á và châu Phi, trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc - siêu cường kinh tế mới của thế giới mà nước Pháp đang nỗ lực kết thân.

Đối với nhiều người Pháp, đặc biệt là những ai không hài lòng với đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy thì ông Strauss-Kahn chính là người thay thế thích hợp nhất trên cương vị Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới. Ông Strauss-Kahn, thành viên đảng Xã hội cánh tả, có những phẩm chất đủ làm thỏa mãn sự mong đợi của những người muốn thấy nước Pháp phải thay đổi hơn nữa.

Ông cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ (rất thích hợp để chèo lái con thuyền kinh tế đang mắc cạn của Pháp); có uy tín và ảnh hưởng toàn cầu do vị trí quản lý IMF; và nhất là ông đang là giáo sư chuyên môn về kinh tế tại Học viện Chính trị Paris.

Trong bối cảnh ông Strauss-Kahn tham gia cuộc đua tranh cử chức Tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử vào năm 2012, với chiến dịch tranh cử đã khởi động từ cuối tháng 4 vừa qua, nhiều người cho rằng đây là thời điểm thích hợp để một nhân vật châu Á giữ trọng trách này, bởi châu Á - Thái Bình Dương đang ngày một nổi rõ vai trò trên trường quốc tế.

Thậm chí, cả ông Strauss-Kahn và Thủ tướng Anh David Cameron cũng từng nhận định rằng, đã tới lúc chấm dứt truyền thống người đứng đầu IMF là một nhân vật tới từ châu Âu.

Tuy nhiên, câu hỏi là, người nước nào châu Á đủ tư cách đảm nhận trọng trách này? Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ...? Theo Asia Sentinel, Trung Quốc có vẻ là một lựa chọn rõ ràng, bởi có quy mô kinh tế và sức ảnh hưởng với thế giới của quốc gia châu Á này đang trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, người Trung Quốc chưa được nhiều nước láng giềng lớn ở châu Á cũng như phương Tây tín nhiệm. Trung Quốc rõ ràng có những nhân vật đủ phẩm chất và năng lực để đảm trách cương vị này, nhưng dư luận luôn cho rằng, một nhà lãnh đạo IMF là người Trung Quốc sẽ đi theo đường lối do Bắc Kinh xếp sắp.

Các ứng viên Ấn Độ có thể là lựa chọn tốt hơn, bởi khả năng suy nghĩ độc lập và tinh thần luôn đặt nghĩa vụ trong một tổ chức lên trên lợi ích quốc gia, nhưng Trung Quốc sẽ không dễ dàng để một ứng viên Ấn Độ qua mặt họ, giành cương vị này.

Trong khi đó, một người Nhật Bản có vẻ là lựa chọn hàng đầu, vì nước này từ lâu đã là một nền kinh tế phát triển, và đóng vai trò quan trọng trong IMF. Tuy nhiên, tìm được một cá nhân vừa linh hoạt trước công chúng, vừa kết hợp được chuyên môn với sắc sảo chính trị lại quá khó.

Chủ tịch ADB Haruhiko Koruda là một ví dụ tốt về một cá nhân giỏi việc, nhưng lại không thể hiện được sự mạnh mẽ và quyết đoán. Tương tự như vậy là Phó tổng giám đốc điều hành IMF, Naoyoki Shinohara, cũng là một người Nhật Bản.

Còn nếu cương vị lãnh đạo về tay một ứng viên người Hàn Quốc, rất có thể sẽ dẫn tới quan điểm cho rằng Hàn Quốc "quá được ưu ái" khi nắm cả vị trí hàng đầu ở Liên hợp quốc lẫn tại IMF. Tổng thư ký Liên hợp quốc đương nhiệm, ông Ban Ki-moon nhiều khả năng sẽ làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Hơn nữa, Hàn Quốc là một quốc gia khá nhỏ, trong khi các đời Tổng giám đốc IMF người châu Âu đều từ các nước lớn.

Singapore thậm chí còn nhỏ hơn. Điều này sẽ có khả năng loại trừ công dân đảo quốc Sư tử khỏi việc cất nhắc. Dẫu vậy, ông Lý Hiển Long sẽ là một ứng viên nặng ký nếu ông sẵn lòng rời chức thủ tướng để tham gia cuộc đua giành ghế lãnh đạo IMF.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore, Tharman Shanmugaratnam, đủ thông minh để đảm nhiệm công việc nhưng lại ít xuất hiện trước thế giới ngoài châu Á. Điều này tương tự với cựu lãnh đạo tiền tệ của Hồng Kông, Joseph Yam.

Tất cả những điều trên sẽ giúp cho ứng viên Kemal Dervis của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cầu nối giữa châu Á và châu Âu về địa lý cũng như các quan hệ, trở nên sáng giá nhất. Tuy nhiên, ông Dervis lại không nặng ký về chính trị.

Ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 2 năm, rồi làm tới 20 năm cho WB và 5 năm qua đứng đầu Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Dervis ít có đối thủ nhưng lại có nhiều ý kiến nghi ngờ nhiều về "trọng lượng của ông" ở thời điểm IMF cần có vai trò lớn hơn trong các vấn đề tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một nhân vật không Âu cũng chẳng Á, sẽ làm Tổng giám đốc IMF, như tới từ Brazil hay Mexico chẳng hạn. Thậm chí, cơ hội cũng có thể lọt vào tay một trong những Phó tổng giám đốc điều hành đương nhiệm của IMF như Nemet Shafik, mang hai quốc tịch Anh và Ai Cập.

Ngay cả trong trường hợp châu Á nhất trí chọn lựa được một ứng viên, khu vực này vẫn phải thuyết phục được các cổ đông lớn trong IMF mà phương Tây vẫn đang chiếm ưu thế.

Cải cách cơ chế bỏ phiếu của IMF để tăng sức mạnh cho Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil vẫn đang trong tiến trình, và chưa thể có hiệu lực cho tới năm 2013. Nói một cách khác, sẽ không có gì ngạc nhiên, nếu tân Tổng giám đốc IMF chưa phải là một người châu Á.