Người lao động mong muốn tiếp cận thông tin nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội dễ dàng hơn
Rất nhiều kiến nghị của người lao động gửi tới đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 8/5 vừa qua...
Ngày 8/5, tại Trung tâm hội nghị thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với 400 công nhân, viên chức, lao động tại tỉnh này.
Theo thông tin tại buổi tiếp xúc, toàn tỉnh hiện Thanh Hóa có 345.900 công nhân, viên chức, người lao động; trong đó có 332.401 đoàn viên công đoàn.
Trong năm 2023 và 4 tháng năm 2024, hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn chú trọng. Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa xét hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng cho 3.447 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, bị ốm đau do bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, hỗ trợ làm nhà và sửa nhà cho 54 đoàn viên với số tiền hơn 2 tỷ đồng; thăm hỏi, hỗ trợ 1.543 đoàn viên ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo; tặng quà cho 1.166 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn...
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến cơ chế, chính sách đảm bảo và nâng cao đời sống cho công nhân, viên chức, người lao động như việc chi trả tiền lương cho người lao động. Cùng với đó, doanh nghiệp cần căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc tương xứng với sức lao động, năng suất lao động mà người lao động đã tạo ra cho doanh nghiệp.
Người lao động cũng tập trung cho ý kiến phản ánh những vấn đề thực tiễn thi hành đối với các dự án Luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động được Quốc hội xem xét, cho ý kiến (hoặc thông qua) trong năm 2024, trọng tâm là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn sửa đổi… Theo đó, công nhân tham dự hội nghị đã đề cập vấn đề duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống người lao động; giải pháp về nhà ở xã hội, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con công nhân lao động; vấn đề rút bảo hiểm một lần và tình trạng "tín dụng đen" trong công nhân lao động…
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội bổ sung các quy định pháp lý, các chế tài để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Cử tri chỉ rõ trường hợp Công ty TNHH may TS Vina huyện Yên Định hiện nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quá dài, số tiền nợ lớn, tới gần 20 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ dẫn đến ngừng hoạt động từ năm 2020, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, gây thiệt hại cho hơn 300 lao động.
Mặc dù cơ quan chức năng đã thanh tra, xử phạt nhiều lần nhưng công ty này không chấp hành, đến nay, không có hướng giải quyết. Quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động đến nay vẫn bị "treo". Người lao động không thể chốt được sổ bảo hiểm xã hội cho giai đoạn làm việc tại Công ty mặc dù chuyển sang doanh nghiệp khác làm việc nhiều năm. Tại hội nghị, cử tri đề nghị, Quốc hội bổ sung các quy định pháp lý, chế tài để ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tại buổi tiếp xúc, anh Nguyễn Viết Thảo, công nhân Công ty TNHH giầy Roll Sport Việt Nam tại Khu công nghiệp Hoàng Long (thành phố Thanh Hóa), cho biết hiện nay công nhân tiếp cận các thông tin về nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội rất khó khăn, chỉ qua thông tin trên báo chí. Để tạo điều kiện cho người lao động, cử tri đề nghị các ngân hàng cần phối hợp với công đoàn các cấp để thông tin, tuyên truyền về nguồn vốn vay, hỗ trợ cho người lao động đủ điều kiện được vay vốn như các tổ hỗ trợ vay vốn ở các xã, phường, thị trấn.
Ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu và giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Ban tổ chức chuyển kiến nghị của công nhân lao động đến Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét xử lý những vấn đề liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhà ở xã hội…
Ban tổ chức trình UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giải quyết 3 vấn đề liên quan đến giải pháp bảo đảm dân chủ ở cơ sở; trên cơ sở quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, tỉnh sớm bố trí đất cho công đoàn đầu tư các dự án nhà ở xã hội và thiết chế văn hóa, xã hội cho công nhân lao động như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi; phấn đấu đến cuối năm 2024 khởi công được một dự án…
Tại hội nghị, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và các ban ngành khác đã trao kinh phí hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho đoàn viên, công nhân lao động với trị giá 835 triệu đồng; trao hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động với trị giá 1 tỷ 415 triệu đồng và trao 100 suất quà cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.