"Người trẻ Việt Nam giao dịch cổ phiếu, tiền điện tử với một tư duy táo bạo hơn bao giờ hết"
Để tìm kiếm sự tự do tài chính, người trẻ ở Việt Nam giao dịch cổ phiếu, tiền điện tử và thậm chí cả các công cụ phái sinh, với một tư duy táo bạo và tự chủ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ tăng cao...

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cùng nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân phát triển, giàu mạnh, đặc biệt là Nghị quyết 68 mới đây của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Các chuyên gia dự báo số người tầng lớp trung lưu sẽ ngày càng nhiều lên, dẫn đến nhu cầu quản lý tài sản, tài chính ngày càng được chú trọng. Theo báo cáo The Wealth Report 2025, Việt Nam hiện có khoảng 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD. Đơn vị này cũng dự báo đến năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 cá nhân siêu giàu, tăng 30% so với năm 2023.
Trao đổi về vấn đề này trong Talk show Phố Tài chính, các chuyên gia đánh giá, với những chính sách kể trên, dự báo trong tương lai sẽ có nhiều nhiều tầng lớp trung lưu và giàu có hơn tại Việt Nam do đó việc quản lý tài sản, tài chính cũng sẽ được chú trọng hơn, để người dân có thể sớm tự do về tài chính, góp phần tạo nên Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.
Ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM), cho rằng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và triệu phú của Việt Nam là kết quả tất yếu của hơn hai thập kỷ phát triển kinh tế ổn định và cải cách thị trường. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Sự tích lũy của cải của tầng lớp người giàu có sẽ mang lại sự ổn định thông qua tiêu dùng trong nước và thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp mới và cải tiến công nghệ.
Xu hướng này cũng tương tự như ở các quốc gia khác. Ví dụ như Trung Quốc đã chứng kiến sự thay đổi tương tự trong hai thập kỷ qua. Từ năm 2010 đến năm 2020, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi và vốn tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các lĩnh vực mới nổi như công nghệ và năng lượng xanh thông qua các dịch vụ quản lý tài sản và tài chính. Điều này đã tạo ra một vòng tuần hoàn về tăng trưởng và tái đầu tư.
Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn đó. Kỳ vọng dòng vốn tư nhân sẽ tham gia nhiều hơn vào sự phát triển của nền kinh tế với sự hỗ trợ về cải tiến chính sách như Nghị quyết 68.

Trong bối cảnh này, quản lý tài sản sẽ giúp định hướng vốn vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao, cho phép nhiều người gia tăng và củng cố tài sản của họ.
Khi thu nhập tăng lên, người Việt có xu hướng suy nghĩ nghiêm túc hơn về cách làm giàu và bảo vệ tài sản của họ. Điều thú vị nhất chính là hiện nay thế hệ trẻ Gen Z và Gen Y (Millennials) đã bắt đầu đầu tư qua các nền tảng số từ rất sớm. Theo các nghiên cứu toàn cầu, 30% Gen Z đã bắt đầu đầu tư ngay từ những năm đầu tuổi trưởng thành.
Tại Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng ghi nhận mức tăng gần 40% nhà đầu tư trẻ, cho thấy nhu cầu này là rất thực tế và đang phát triển nhanh chóng.
Để tìm kiếm sự tự do tài chính, người trẻ ở Việt Nam giao dịch cổ phiếu, tiền điện tử và thậm chí cả các công cụ phái sinh, với một tư duy táo bạo và tự chủ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ tăng cao.
Khi Việt Nam ngày càng giàu có và tinh tế hơn về tài chính, ngành quản lý tài sản cũng cần phải phát triển nhanh chóng để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giới trung lưu. Về phía các công ty quản lý quỹ, dịch vụ quản lý tài sản cũng cần mở rộng phạm vi truyền thông về lợi ích quản lý tài chính trong cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng cả các nhà đầu tư bán lẻ trẻ tuổi tiếp cận nhiều hơn về các sản phẩm đầu tư trên nền tảng số.
"Tôi cho rằng đối với mỗi cá nhân, tự do tài chính giờ đây là điều hoàn toàn có thể đạt được nhưng nó đòi hỏi bạn phải hành động. Trước tiên, hãy xây dựng kiến thức tài chính cần thiết: hiểu về rủi ro, cách lập ngân sách và nhận thức được sức mạnh của lãi kép. Tiếp theo, hãy bắt đầu đầu tư sớm và có chiến lược thông minh và mục tiêu rõ ràng, chứ đừng chỉ chạy theo xu hướng tức thời. Cuối cùng, hãy tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia khi cần thiết.
Việc phân bổ tài sản đầu tư theo chiến lược rõ ràng và mục tiêu cụ thể sẽ giúp nhiều người dân quản lý tài chính một cách hiệu quả, đồng thời gia tăng giá trị tài sản và góp phần tạo nên một Việt Nam thịnh vượng, bền vững hơn", ông Lu Hui Hung nói.
Đối với thị trường chứng khoán, theo ông Lu Hui Hung, Việt Nam đang thực hiện những cải cách tương tự các nước đi trước qua việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX hay việc áp dụng chuẩn mực IFRS và xây dựng khung pháp lý cho các sản phẩm trái phiếu cũng như tài chính kỹ thuật số. Những yếu tố này sẽ tạo thành một hệ thống trụ cột cho một thị trường hiện đại, toàn diện và đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững.