08:27 30/07/2009

Phòng chống cúm A/H1N1: Doanh nghiệp đừng chờ ngành y đến “gõ cửa”

Xuân Hương - Chu Khôi

Cúm A/H1N1 đã phát triển đến giai đoạn nguy hiểm, công tác phòng chống gần như đã bất khả kháng

Nhân viên tại một trường học đeo khẩu trang khi làm việc - Ảnh: Hoàng Hà.
Nhân viên tại một trường học đeo khẩu trang khi làm việc - Ảnh: Hoàng Hà.
Cúm A/H1N1 đã tấn công vào trường học, doanh nghiệp, công sở với nguy cơ lây nhiễm theo cấp số nhân. Tuy nhiên, hiện không ít các doanh nghiệp tỏ ra rất thờ ơ và lúng túng với công tác phòng, chống cúm A/H1N1.

Theo TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cúm A/H1N1 đã phát triển đến giai đoạn nguy hiểm, công tác phòng chống gần như đã bất khả kháng. Trước kia, Việt Nam còn khoanh vùng, cách ly nhưng bây giờ mọi biện pháp khoanh vùng cách ly đã không còn tác dụng.

Cúm A/H1N1 đang lây lan nhanh ra cộng đồng. Ông nhận định thế nào về nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 trong các doanh nghiệp, công sở, trường học?

Tính tới ngày 29/7, tại các tỉnh phía Nam đã có gần 60 trường học phải tạm đóng cửa vì cúm A/H1N1. Trong đó, Tp.HCM đã thành lập bệnh viện dã chiến tại 2 trường trung học phổ thông, tạm đóng cửa 1 trường trung học xây dựng;  Đồng Nai tạm đóng cửa 53 trường. Ở phía Bắc, chưa có trường học nào phải tạm đóng cửa vì cúm A/H1N1.

Với khối doanh nghiệp, công sở, ngày 25/7, Trung tâm Viettel tại số 1 phố Giang Văn Minh ghi nhận 1 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Ngày 29/7, thêm 1 công sở của Hà Nội là tòa nhà Viglacera tại Láng - Hòa Lạc xuất hiện bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1.

Tôi nhấn mạnh rằng cúm A/H1N1 đã lây lan trong cộng đồng và việc lây lan này sẽ gia tăng theo cấp số nhân. Doanh nghiệp, công sở, trường học có nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 rất lớn, bởi đây là những địa chỉ thường xuyên có mức độ tập trung cao, tiếp xúc gần và thường xuyên sử dụng điều hòa.

Đặc biệt nguy cơ cao nhất tập trung vào nhóm doanh nghiệp, công sở nằm trong vùng có dịch, các khu công nghiệp, chế xuất...

Với những cơ quan, doanh nghiệp, trường học đã xuất hiện cúm A/H1N1, ngành y tế đã có những biện pháp gì giúp các đơn vị này phòng chống cúm A/H1N1?

Cúm A/H1N1 đã phát triển đến giai đoạn nguy hiểm, công tác phòng chống gần như đã bất khả kháng. Trước kia, Việt Nam còn khoanh vùng, cách ly nhưng bây giờ mọi biện pháp khoanh vùng cách ly đã không còn tác dụng.

Vì vậy, với những nơi xuất hiện chùm cúm A/H1N1 (công sở, doanh nghiệp, trường học), chúng tôi sẽ thành lập các bệnh viện dã chiến. Bệnh nhân và các nhân viên tại những nơi này sẽ được cách ly tại chỗ có nhà ăn, nhà bếp, phòng nghỉ ngay tại chỗ. Ngành y tế sẽ đưa thầy thuốc, hậu cần, trang thiết bị đến.

Rất may, độc lực của cúm A/H1N1 tại Việt Nam chưa biến đổi. Hiện nay, công tác điều trị cúm A/H1N1 của chúng ta đang rất tốt, vẫn chưa có bệnh nhân nào tử vong. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống cúm  như cúm gia cầm (H5N1).

Thưa ông, vì sao đến nay, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang lúng túng vì chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ phòng chống dịch A/H1N1 nào từ phía ngành y tế?

Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch cúm đối với hệ thống các công sở, doanh nghiệp, trường học. Đã có sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng, cơ quan thuộc ngành nào thì y tế ngành đó có trách nhiệm hướng dẫn phòng dịch, y tế ở từng cấp (tỉnh, huyện, xã) có trách nhiệm chỉ đạo phòng chống dịch cho những cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn.

Tuy nhiên, nhân lực ngành y tế có hạn, nên tuyên truyền chủ yếu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chứ không thể lo hết cho mọi doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải biết tự lo cho mình, đừng chờ ngành y tế đến tận nơi “gõ cửa”.

Dịch cúm A/H1N1 đã lây nhiễm ra cộng đồng, như vậy cúm sẽ không chừa một ai. Mỗi doanh nghiệp phải biết bảo vệ nguồn nhân lực của mình. Nếu để xảy ra cúm, chính doanh nghiệp đó sẽ phải tạm ngừng hoạt động, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho bản thân doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.

Trách nhiệm của giám đốc, người đứng đầu mỗi doanh nghiệp là phải chăm lo đời sống, trong đó có sức khỏe người lao động, nếu để nhân viên tử vong do dịch thì họ phải đền bù. Hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang rất thờ ơ đối với sức khỏe người lao động, không mua bảo hiểm, không tổ chức các đợt kiểm tra sức khỏe cho người lao động.

Trong tình hình dịch cúm hiện nay, các doanh nghiệp phải chủ động tìm đến với ngành y tế, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm hiểu tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

Doanh nghiệp phải tự bỏ tiền ra mua khẩu trang, thuốc và các trang thiết bị để phòng chống cúm A/H1N1 cho nhân viên của mình. Doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với các cơ quan y tế tại địa phương để đề xuất kiến nghị, cần thứ gì để được cung cấp. Thuốc chữa bệnh hiện đã được Bộ Y tế phân cấp về cho các cơ sở y tế địa phương.

Tuy nhiên, ngành sẽ không cho phép các doanh nghiệp tích trữ thuốc, vì như vậy sẽ gây nên tình trạng thiếu thuốc cục bộ, nguy cơ có doanh nghiệp xảy ra dịch thì không có thuốc, trong khi doanh nghiệp không có dịch thì lại tích trữ nhiều thuốc.

Mặt khác, khi không có bệnh mà đã sử dụng thuốc bừa bãi, rất dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, rất khó điều trị.