10:41 28/10/2008

Nguy cơ thiểu phát, phải có thêm kịch bản dự phòng

Anh Quân

Quan điểm của TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, trước nguy cơ thiểu phát của nền kinh tế

"Chúng ta cứ nói nhiều đến lạm phát năm tới khoảng 15% hay mười mấy phần trăm, mới bàn nhiều đến phương án đó thôi mà quên rằng nếu nó là zero thì sao?" - Ảnh: Anh Quân.
"Chúng ta cứ nói nhiều đến lạm phát năm tới khoảng 15% hay mười mấy phần trăm, mới bàn nhiều đến phương án đó thôi mà quên rằng nếu nó là zero thì sao?" - Ảnh: Anh Quân.
Sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 ở mức âm 0,19%, một số chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về khả năng nền kinh tế Việt Nam đi vào giai đoạn thiểu phát, sản xuất sa sút, thất nghiệp và nảy sinh nhiều vấn đề bất ổn xã hội…

Trước diễn đàn Quốc hội, TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng đã lên tiếng về vấn đề trên.

VnEconomy trao đổi thêm với ông về những nhận định liên quan.

Ông nói:

“Mới đây, tôi đã từng nêu vấn đề nền kinh tế Việt Nam có khả năng đi vào giai đoạn thiểu phát do những tác động suy giảm của nền kinh tế thế giới. Nhưng gần đây, tình hình đã thay đổi khá nhanh với những diễn biến xấu, có thể đưa đến nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Tôi xin nói lại thời điểm này thì chưa có suy thoái toàn cầu, chỉ mới suy giảm thôi, nhưng mọi người đều lo rằng sẽ dẫn tới suy thoái".

Nguy cơ thiểu phát là có

Với Việt Nam, những diễn biến xấu đó có thể ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Nếu tình trạng hiện nay dẫn tới suy thoái toàn cầu thì kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề trên 3 lĩnh vực.

Thứ nhất, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng ngay. Đặc điểm xuất khẩu Việt Nam là tập trung cho một số sản phẩm. Chúng ta chiếm thị phần khá lớn trong xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, may mặc, giày dép… Thị trường xuất khẩu lại tập trung ở những nước bị ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng hay suy thoái toàn cầu như Mỹ, châu Âu.

Trong khi đó, ta lại nhập khẩu nhiều ở những thị trường bị ảnh hưởng ít như Trung Quốc, ASEAN. Nhập siêu ở thị trường ảnh hưởng ít, xuất siêu ở thị trường bị ảnh hưởng khủng hoảng lớn, với chúng ta như vậy là bất lợi.

Thứ hai là khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư trực tiếp. Các dự án đầu tư hầu như sau khi được cấp giấy phép người ta mới tiến hành huy động vốn. Với thị trường vốn quốc tế hiện nay thì không vay vốn được.

Thứ ba là tác động đến đầu tư gián tiếp FII. Thị trường chứng khoán như hiện nay, các quỹ đầu tư trong nước đều lỗ, thậm chí lỗ nửa tài sản, khả năng huy động vốn ít. Cho nên tình trạng bán tháo tài sản sẽ rất phổ biến.

Về nguy cơ thiểu phát, ông nhận định thế nào?

Chúng ta đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, cố kéo CPI xuống. Nên nhớ một điều rằng CPI của chúng ta cấu tạo chủ yếu là lương thực, thực phẩm, chiếm tới gần 43% rổ hàng hóa tính CPI.

Giá lương thực thế giới xuống rồi, lương thực trong nước cũng đang xuống rất mạnh. Dầu xuống rất thấp, vàng xuống hơn 700 USD/oz và đang diễn biến nữa. Tất cả là dấu hiệu của khủng hoảng, của suy thoái toàn cầu.

Vì thế mà ở trong nước, CPI Việt Nam đang kéo xuống, tháng 9 chỉ còn tăng 0,18% và tháng 10 là âm. Nhưng đây mới chỉ là chỉ báo nhất thời, nó chưa nói rằng chúng ta đang diễn ra thiểu phát hay giảm phát. Nhưng nguy cơ là có.

Chính là lúc này, những nhóm giải pháp chúng ta đang tiến hành là kiềm chế lạm phát thì cần phải xem lại.

Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ rồi, tức là cũng phản ứng rất nhanh, thưa ông?

Đúng là vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã “bắn tín hiệu” nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm lãi suất cơ bản, nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, trả lại 20.300 tỷ đồng tín phiếu…

Tuy nhiên đặc điểm các ngân hàng thương mại trong nước hiện nay lại là họ dự trữ tiền rất lớn, nhưng họ ngại cho vay, họ bảo đảm tính thanh khoản chắc chắn, vốn huy động họ để lại, thành ra không giảm được lãi suất cho vay. Việc này đưa đến vòng luẩn quẩn: doanh nghiệp lãi suất cao không vay được, ngân hàng thì dư tiền. Bối cảnh cực kỳ phức tạp.

Phức tạp ở hoạt động ngân hàng hiện nay sẽ tác động đến tổng thể nền kinh tế?

Đúng là phức tạp cả ở hệ thống ngân hàng và tổng thể nền kinh tế.

Với các giải pháp chúng ta áp dụng hiện nay thì ngân hàng muốn nới nhưng nới không được vì rủi ro tiền tệ vẫn còn nguyên đó.

Tôi dự báo sắp tới tổng cầu chung sẽ giảm, nhưng cấu tạo trong tổng cầu đó thì khối lượng tiền tệ vẫn còn lớn, thành ra nguy cơ vẫn còn, rất dễ bục ra.

Cần có thêm phương án chủ động

Với nguy cơ thiểu phát, có thể chống đỡ như thế nào, thưa ông?

Vấn đề cần thiết hiện nay là cần có một phương án đối phó với tình huống thiểu phát xảy ra, thị trường trong nước sút giảm.

Chúng ta nên nhớ là quy mô thị trường trong nước chỉ bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khi xuất khẩu giảm thì thị trường trong nước không mở kịp để giải quyết một phần hàng xuất khẩu ứ đọng, xí nghiệp sẽ bị giảm sản xuất. Vì vậy cần phương án kích cầu để dự phòng.

Bây giờ xi măng ế, sắt thép ế… ngành xây dựng sẽ tiếp tục khó khăn, như vậy phải kích cầu đầu tư.

Ngay cả ngân sách cũng phải tính toán lại. Những dự án nhỏ khu vực nông thôn, chương trình nông nghiệp, nông thôn cần đẩy mạnh để tập trung kích cầu nông thôn lên. Thị trường chiếm 70% dân số, sức mua thấp phải kích để gỡ phần nào. Nhân đấy, chúng ta cũng giải quyết được vấn đề ổn định, triển khai được chương trình tam nông.

Thứ hai, kích cầu tiêu dùng cung phải tính toán. Lâu nay chúng ta “xiết” lại thì trong điều kiện thiểu phát phải tính lại với phương án này. Để cuối cùng, trong trường hợp nào nền kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo tăng trưởng trên 6%.

Tức là theo ông cần phải có ưu tiên chính sách theo hướng khác, thậm chí trái ngược hẳn, thay vì kiềm chế lạm phát thì ta phải kích cầu đầu tư và tiêu dùng?

Giải pháp như vừa qua thì tôi không phản đối, nhưng phải có kịch bản thứ hai và hai kịch bản này ngược nhau.

Về chi tiêu công chỉ giống một điểm, chúng ta thực hiện chính sách tài khóa, chi gì mà kích được thị trường thì tăng chi cái đó. Chi mua sắm mà liên quan đến nhập khẩu thì thôi.

Xin ông nói rõ thêm về giải pháp này?

Đây là phương án kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong điều kiện nền kinh tế thiểu phát để giữ được thị trường. Hiện nay Chính phủ trình Quốc hội chưa có phương án này. Tôi sẽ kiến nghị sớm lên Quốc hội.

Chúng ta cứ nói nhiều đến lạm phát năm tới khoảng 15% hay mười mấy phần trăm, mới bàn nhiều đến phương án đó thôi mà quên rằng nếu nó là zero thì sao? Trong điều kiện đó thì cần duy trì một cấp độ lạm phát theo ý muốn để duy trì đầu tư và tốc độ tăng trưởng.

Đây tôi gọi là thế chủ động. Chúng ta đi từ thế bị động, tương kế tựu kế thành cái thế chủ động. Nếu không chuẩn bị sẵn thì rất dễ diễn ra tình trạng chúng ta lại bị động như trước kia.

Nhưng từ đầu năm chúng ta có điều chỉnh được lạm phát theo ý muốn đâu?

Đầu năm thì chúng ta bị động, phải chạy theo để kiềm chế. Nay chúng ta phải tính lại, làm thế nào chủ động từ trước để phòng và điều chỉnh theo ý muốn của ta.

Vậy khi nào là thích hợp để đưa ra những giải pháp trên và đưa ra mà điều khiển theo ý muốn được?

Khi lạm phát trở về mức 0% thì cần phải có hành động tương ứng phù hợp. Bây giờ thì chưa, phải chờ từ giờ đến cuối năm xem tình hình thế nào.

Phải giảm mạnh nhập siêu

Trở lại với những ảnh hưởng từ thị trường thế giới, thị trường Việt Nam đang có độ mở khá lớn, nếu thị trường thế giới diễn ra sự đổ vỡ và rớt giá hàng loạt thì liệu kinh tế Việt Nam “sốc” không, thưa ông?

Mặc dù độ mở lớn, chúng ta xuất khẩu lớn, nhưng chúng ta đừng quá lo chuyện đó nhiều. Vì số tuyệt đối xuất khẩu của chúng ta chiếm rất nhỏ so với quy mô thị trường toàn thế giới, chỉ chiếm 0,3% quy mô nhập khẩu của thế giới.

Nếu giá thế giới đồng loạt xuống thì sản xuất trong nước sẽ thế nào?

Giá thị trường thế giới xuống, đầu vào xuống thì đầu ra cũng xuống. Hiện chúng ta 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của ta là do nhập khẩu mang lại. Ta chỉ làm ra thêm 30% cho GDP. Thành ra xuống bên này thì cũng xuống bên kia thôi.

Mà khi xuống đầu vào nhiều thì ta được lợi chứ không bị hại đâu.

Nếu nền kinh tế thế giới bước vào đại suy thoái như những năm 30 thì sao?

Thì tất cả mọi thứ sẽ đảo lộn hết. Trong trường hợp đó, mình cũng bị ảnh hưởng nhưng quy mô nền kinh tế mình nhỏ thì không “đau” bằng những anh lớn, nếu biết tính toán.

Vậy có nên tính đến một kịch bản thứ ba theo hướng đó?

Thật sự kịch bản thứ hai là đủ rồi. Và trong kịch bản này phải giải quyết cân đối về ngoại tệ.

Trong trường hợp thiểu phát kinh tế thì phải tính toán, tuyệt đối, nhất quyết phải giảm nhập siêu mạnh. Vì hiện nay nhập siêu như vậy, các nguồn tài chính không có thì không thể bù đắp được, không ổn định được đồng tiền.

Không đẩy hết trách nhiệm vốn về ngân hàng

Để phòng ngừa thiểu phát, ứng xử thường thấy là nới chính sách tiền tệ. Lúc này có nên “tháo” một số điều kiện cho vay, vốn đang thít quá chặt, không?

Thật sự vấn đề tiếp cận vốn là vấn đề lâu dài từ trước đến nay. Kêu nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan điểm của tôi là không nên đẩy hết nhu cầu vốn của nhóm này về phía trách nhiệm của ngân hàng thương mại.

Nhà nước trong chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ phải xây dựng định chế hỗ trợ khối doanh nghiệp này mà vừa rồi tại một hội thảo người ta có đề nghị thành lập một cái quỹ từ phát hành trái phiếu.

Theo tôi không cần thành lập quỹ gì hết. Hiện nay Nhà nước có hai định chế tài chính rất quan trọng là Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại sao không sử dụng hai định chế tài chính này để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm vốn mồi để các ngân hàng thương mại làm theo?

Nhất là Ngân hàng Phát triển phải thế hiện trách nhiệm trước doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khuyến khích phát triển mà anh đứng ngoài cuộc, toàn đầu tư dự án.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn. Theo ông những đối tượng doanh nghiệp nào cần ưu tiên hỗ trợ?

Theo thứ tự thì chế biến xuất khẩu, nhiều lao động, liên quan đến chế biến nông sản…, còn bộ phần khác có thể hạn chế quy mô.

Các doanh nghiệp gia công xuất khẩu thì phải làm ngay để giữ ổn định thị trường. Hay doanh nghiệp nhiều lao động mà cần vốn thì giải quyết ngay để ổn định lao động. Cái nguy hiểm nhất là thất nghiệp, sẽ gây nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Những ngành khác thì trước mắt có thể xem xét thu hẹp lại.

Khó khăn, sắp tới có thể một bộ phận doanh nghiệp sẽ phải giải thể, phá sản thì thế nào, thưa ông?

Kinh tế thị trường thì phá sản hay lập mới cũng bình thường thôi. Chúng ta đừng quá nặng nề. Tăng trưởng 6% - 7% thì không nên coi phá sản một số doanh nghiệp là ghê gớm gì.

Các doanh nghiệp cũng nên tự tính, không nên đổ hết trách nhiệm cho Chính phủ. Làm dự án hay kinh doanh gì thì cũng phải tính đến hiệu quả.