Nhà đầu tư bất an về thương chiến, chứng khoán Mỹ đi xuống
Đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược, đàm phán thương mại không có bước tiến là những nhân tố khiến nhà đầu tư lo ngại phiên này
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi cổ phiếu tài chính rớt giá vì đường cong lợi suất đảo ngược sâu hơn đẩy cao nỗi lo suy thoái kinh tế. Tình trạng bấp bênh về đàm phán thương mại Mỹ-Trung càng khiến nhà đầu tư thêm phần bất an.
Vào đầu phiên, các chỉ số đi lên, nối tiếp đà tăng của ngày thứ Hai - phiên được hỗ trợ bởi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Bắc Kinh đã gọi điện cho Washington để đề nghị nối lại đàm phán.
Tuy nhiên, vào ngày thứ Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng không có cuộc điện đàm nào giữa hai nước trong những ngày gần đây.
Theo hãng tin Reuters, phiên ngày thứ Ba chứng kiến sự đảo ngược sâu hơn của đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm. Sự đảo ngược này là một dấu hiệu kinh điển cho thấy suy thoái kinh tế sắp xảy ra đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Mọi chuyện đang khá mập mờ và nếu không có một sự xuống thang quan trọng nào trong thương chiến, nền kinh tế sẽ phải hứng chịu hậu quả", Giám đốc đầu tư (CIO) Jack Ablin của Cresset Capital Management, nhận xét.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,48%, còn 25.774,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,33%, còn 2.868,85 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,34%, còn 7.826,95 điểm.
Cổ phiếu tài chính, nhóm thường có xu hướng giảm trong môi trường lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế suy yếu, giảm 0,72%, gây áp lực giảm lớn nhất lên S&P 500.
Trong tháng 8 này, S&P 500 đã giảm gần 4% do lo ngại thương chiến Mỹ-Trung leo thang sẽ gây suy giảm, thậm chí suy thoái, kinh tế toàn cầu và kéo tụt lợi nhuận của các doanh nghiệp. Sức ép đè nặng lên thị trường còn là những bấp bênh xung quanh tiến độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Với cuộc họp tiếp theo của FED diễn ra vào giữa tháng 9, giới đầu tư đang đánh giá về tình trạng sức khỏe kinh tế Mỹ để dự báo về đường đi của lãi suất trong thời gian tới. Những thống kê được quan tâm đặc biệt trong tuần tới bao gồm báo cáo việc làm và dữ liệu ngành sản xuất.
Trong phiên ngày thứ Ba, số cổ phiếu giảm giá ở Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) nhiều gấp 1,71 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,41 lần.
Có tổng cộng 6,29 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 7,57 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.