17:00 28/02/2024

Nhà đầu tư Trung Quốc bế tắc với bất động sản ở nước ngoài

Đức Anh

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã phải bán lỗ bất động sản ở nước ngoài để trả nợ...

Bãi biển Bondi ở Sydney - Ảnh: Bloomberg
Bãi biển Bondi ở Sydney - Ảnh: Bloomberg

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các nhà đầu tư Trung Quốc vay tiền ngân hàng để mua nhà ở nước ngoài đang rơi vào bế tắc do kinh tế trong nước suy giảm và lãi suất trên thế giới tăng cao. Ngày càng nhiều người phải bán tài sản do mất khả năng trả khoản vay thế chấp mua nhà.

Dù không có số liệu thống kê chính thức về số lượng nhà đầu tư bán bất động sản ở nước ngoài, ước tính con số này hiện tăng gấp đôi với một năm trước – theo công ty công nghệ bất động sản Juwai IQI, nơi đang chào bán các bất động sản với tổng trị giá hơn 4 nghìn tỷ USD.

“Suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang tác động tiêu cực tới nguồn vốn dành cho đầu tư ở nước ngoài”, bà Maggie Hu, phó giáo sư về bất động sản và tài chính tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, nhận định. “Việc này cũng ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư, khiến họ thận trọng hơn khi đầu tư ra nước ngoài”.

Đây là những lý do khiến số lượng người Trung Quốc sở hữu nhà ở Australia giảm đáng kể. Từ năm 2022 đến nay, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã tăng lãi suất 13 lần.

Ở vùng ngoại ô Bondi của thành phố Sydney, nơi có bãi biển nổi tiếng, một gia đình Bắc Kinh gần đây buộc phải bán lỗ căn hộ hai phòng ngủ của mình. Mua căn hộ với giá 1,3 triệu Đôla Australia (848.000 USD) năm 2015, người này chịu lỗ nặng do trước đó phải chi tiền sửa sang căn hộ.

“Họ đã mua căn hộ bằng một khoản vay thế chấp, nhưng căn hộ không được như kỳ vọng, họ phát hiện nhiều vấn đề, rồi Covid-19 ập đến”, ông Peter Li, quản lý công ty môi giới bất động sản Plus Agency, cho biết. “Họ đã muốn cho thuê căn hộ nhưng phải sửa sang trước. Nhưng tới năm 2023, họ cạn tiền”.

Đầu năm ngoái, ngân hàng ở Australia đã thông báo cho gia đình này thời hạn buộc phải bán căn hộ và thời hạn đó chính là tháng này.

“Giá mua cộng với chi phí sửa chữa đồng nghĩa họ cần phải bán căn hộ với giá từ 1,7-1,8 triệu Đôla Australia mới hòa vốn”, ông Li phân tích.

Tuần trước, gia đình nhà đầu tư Trung Quốc đồng ý bán căn hộ với giá 1,4 triệu Đôla Australia.

Theo ông Li, ngoài lý do lãi suất cao, có nhiều lý do khiến gia đình trên cũng như nhiều nhà đầu tư Trung Quốc buộc phải bán bất động sản ở nước ngoài.

Từ năm 2017, các ngân hàng Australia bị cấm cho vay với người nước ngoài. Vì vậy, gia đình trên phải tìm nguồn tiền từ Trung Quốc để trả khoản vay thế chấp mua nhà năm 2015. Tuy nhiên, điều này không dễ bởi Bắc Kinh cũng có quy định kiểm soát vốn ra nước ngoài nghiêm ngặt. Từ năm 2016, Chính phủ áp đặt hạn mức mua ngoại tệ 50.000 USD/năm/công dân.

Năm 2009, một nhà đầu tư Trung Quốc khác sống ở Thượng Hải cũng vay thế chấp để mua một căn nhà trị giá 600.000 Đôla Australia ở Chiswick, một vùng ngoại ô khác của Sydney. Theo ông Li, dù căn nhà này có người thuê nhưng chủ nhà khó có thể tăng giá nhà lên mức đủ để bù tiền lãi ngân hàng. Cuối năm ngoái, người này quyết định bán căn nhà với giá 940.000 Đôla Australia.

“Bà ấy nói rằng muốn hành động trước khi nhận được thông báo từ ngân hàng”, ông Li cho biết.

Tăng trưởng kinh tế ảm đạm tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng gia tăng gánh nặng tài chính với nhà đầu tư sở hữu tài sản ở nước ngoài. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước đang làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư nói chung, đồng thời khiến các doanh nghiệp rơi vào bế tắc tài chính, không thể bàn giao nhà đúng hạn.

Tháng 12/2023, giá nhà mới xây tại 70 thành phố lớn và vừa ở Trung Quốc giảm 0,4% so với tháng trước, tiếp nối mức giảm 0,3% của tháng 11. Đây là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2015. Tổng giá trị đầu tư bất động sản tại Trung Quốc năm ngoái giảm 9,6% so với năm 2022, xuống còn 11,09 nghìn nhân dân tệ (1,5 nghìn tỷ USD).

Do lãi suất tăng cao, một số thị trường quốc tế chứng kiến sự sụt giảm đáng kể số lượng người mua nhà đến từ Trung Quốc. Đơn cử tại Singapore, năm 2023 chỉ có 160 nhà đầu tư Trung Quốc mua bất động sản, mức thấp nhất kể từ năm 2008 – theo dữ liệu từ công ty PropNex Realty. Từ tháng 10/2021, Singapore bắt đầu siết chính sách tiền tệ và gần đây tăng thuế chuyển nhượng bất động sản với người nước ngoài.

“Hoạt động của nhà đầu tư Trung Quốc ở Singapore đã giảm mạnh xuống mức gần như bằng không”, ông Alan Cheong, giám đốc nghiên cứu và tư vấn tại công ty dịch vụ bất động sản Savills, cho biết.