18:12 06/01/2018

Nhà đồng sáng lập Uber muốn bán 1,4 tỷ USD cổ phần

Kim Tuyến

Trước đó, nhà đồng sáng lập Uber Travis Kalanick chưa từng bán cổ phần khi ông điều hành startup này trong gần một thập kỷ

Nhà đồng sáng lập cựu CEO Uber Travis Kalanick - Ảnh: Reuters.
Nhà đồng sáng lập cựu CEO Uber Travis Kalanick - Ảnh: Reuters.

Nhà đồng sáng lập Uber Travis Kalanick, người đã bị buộc rời vị trí giám đốc điều hành (CEO), dự kiến bán gần 1/3 trong số 10% cổ phần tại startup gọi xe này, trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Việc bán cổ phần này của Travis Kalanick nằm trong kế hoạch bán 17,5% cổ phần của Uber cho tập đoàn viễn thông Nhật SoftBank Group và nhóm nhà đầu tư. 

Trước đó, SoftBank cùng nhóm này tuyên bố mua lại cổ phần lớn tại Uber, trong đó chủ yếu từ các nhân viên và nhà đầu tư thời đầu của startup này. 

Sau thương vụ trên, Uber được định giá 48 tỷ USD, giảm 30% so với định giá gần nhất là 68 tỷ USD hồi tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư trên cũng đầu tư 1,25 tỷ USD vào Uber theo định giá 68 tỷ USD như một nhượng bộ đối với các nhà đầu tư thời đầu của startup Mỹ. 

Theo nguồn tin trên, ban đầu Kalanick đề nghị bán một nửa tổng cổ phần của mình. Tuy nhiên, bởi có giới hạn đề ra trong thỏa thuận giữa Uber và nhóm nhà đầu tư, ông sẽ chỉ bán 29% số cổ phần mình nắm giữ. 

Người phát ngôn của Kalanick từ chối đưa ra bình luận về thông tin này. Còn SoftBank và Uber chưa đưa ra bình luận. 

Việc bán cổ phần này sẽ giúp nhà đồng sáng lập Uber lần đầu tiên trở thành tỷ phú. Trước đó, Kalanick chưa từng bán cổ phần tại startup ông điều hành trong gần một thập kỷ, nguồn tin trên cho biết. 

Thương vụ thâu tóm cổ phần của SoftBank và nhóm nhà đầu tư tạo cơ hội cho các nhà đầu từ thời đầu và nhân viên Uber bán số cổ phần họ đang nắm giữ trước khi startup này thực hiện niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) vào năm 2019. 

Thương vụ này cũng đánh dấu mốc thành công lớn với tân CEO Dara Khosrowshahi - người có công đàm phán và cũng sẽ hưởng lợi lớn từ một nhà đầu tư "dày ví" như SoftBank.