07:53 12/06/2018

Nhân tố Trung Quốc trong thượng đỉnh Mỹ-Triều

An Huy

Ba câu hỏi lớn về vai trò của Trung Quốc trong thượng đỉnh Mỹ-Triều

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Đại Liên, Trung Quốc - Ảnh: KCNA/CNBC.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Đại Liên, Trung Quốc - Ảnh: KCNA/CNBC.

Trong lúc Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, Trung Quốc được xem là một nhân tố có ảnh hưởng không hề nhỏ để cuộc gặp này - theo hãng tin BBC.

Điều này không có gì là khó hiểu, khi xét đến việc Bắc Kinh là đồng minh lớn lâu năm duy nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời là đối thủ chiến lược dài hạn mạnh nhất của Washington.

Vị thế này khiến Bắc Kinh giữ một vai trò trong việc quyết định liệu một thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể đi đến thành công được hay không.

BBC đưa ra ba câu hỏi lớn và câu trả lời về vai trò của Trung Quốc trong thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Trung Quốc muốn gì?

Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc muốn có sự ổn định. Cụ thể hơn, điều Trung Quốc muốn nhất chắc chắn là không còn một cuộc khủng hoảng hạt nhân nào ngay sát biên giới của nước này.

Trung Quốc hiểu quá rõ tính "liều" của Bình Nhưỡng, và cũng chẳng tin vào vị Tổng thống khó lường của nước Mỹ. Và Trung Quốc thực sự lo ngại một cuộc khẩu chiến nữa có thể dẫn tới những toan tính sai lầm về quân sự và leo thang căng thẳng.

Với tâm lý đó, trong những năm qua, việc đưa Mỹ và Triều Tiên trở lại với ngoại giao và đối thoại đôi lúc có vẻ như là một mục tiêu của Bắc Kinh.

Nhưng dù sự kiên nhẫn của Trung Quốc với Triều Tiên có vẻ giảm đi trong mấy năm gần đây, Bắc Kinh vẫn là đồng minh lâu năm của Bình Nhưỡng, còn Mỹ vẫn là một đối thủ chiến lược chung của cả hai nước. Và có lẽ, Trung Quốc có cái nhìn thực tế hơn nhiều về khả năng ông Kim Jong Un chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Vì thế, chỉ cần ông Kim Jong Un giành được bất kỳ sự nhượng bộ nào từ ông Trump - chẳng hạn một sự dịch chuyển về hiện diện quân sự Mỹ trên hoặc xung quanh bán đảo Triều Tiên - Trung Quốc dĩ nhiên sẽ xem đó là một lợi thế mà nước này giành được.

Trung Quốc có ảnh hưởng cỡ nào đến Triều Tiên?

Câu trả lời cho câu hỏi này là ở một mức độ nhất định.

Trung Quốc chiếm tới 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề ép Triều Tiên đi tới bàn đàm phán.

Trung Quốc đã ủng hộ lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Liên hiệp quốc giành cho Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh vẫn có lý lẽ để cho rằng càng bị cô lập về kinh tế, Bình Nhưỡng càng quyết tâm theo đuổi chiến lược phòng thủ hạt nhân.

Ông Kim Jong Un lên đường tới Singapore mang theo những yêu cầu riêng và những lý lẽ chiến lược riêng.

Thay vào đó, việc Trung Quốc thực thi trừng phạt Triều Tiên chủ yếu phục vụ cho mục đích của Trung Quốc. Thiện chí mà Trung Quốc thể hiện trong việc này có thể được sử dụng như công cụ trong cuộc đấu địa chính trị lớn hơn của Bắc Kinh với Washington.

Và Trung Quốc có ảnh hưởng hạn chế, nhưng vẫn hữu ích trong việc nhắc nhở Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng không thể phớt lờ hoàn toàn lợi ích của Bắc Kinh. Ảnh hưởng này là hạn chế, bởi Triều Tiên thừa biết rằng Trung Quốc thậm chí còn lo sợ xảy ra sự sụp đổ kinh tế ở Triều Tiên hơn là thế bế tắc hạt nhân hiện nay.

Gần đây, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, ông Kim Jong Un đã có hai chuyến đi tới Trung Quốc để gặp ông Tập Cận Bình. Hai cuộc gặp diễn ra sau khi kế hoạch thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được công bố.

Một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu những nỗ lực ngoại giao gấp gáp này có phải là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không muốn bị đứng ngoài lề. Ngoài ra cũng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang "nhẹ tay" hơn trong việc trừng phạt Triều Tiên.

Ông Trump cũng ám chỉ rằng Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào giữa Mỹ và Triều Tiên. "Tôi sẽ nói rằng tôi hơi thất vọng một chút", ông Trump nói cách đây ít lâu, "vì sau khi ông Kim Jong Un gặp Chủ tịch Tập, tôi nhận thấy có một chút thay đổi trong thái độ của ông Kim Jong Un. Tôi không thích điều đó".

Trung Quốc sẽ làm gì nếu thượng đỉnh Mỹ-Triều không mang lại kết quả như Trung Quốc mong muốn?

Đối với Trung Quốc, thành công của sự kiện này là bất kỳ điều gì - một hiệp ước, một lộ trình, một cái bắt tay ấm áp, hay một kế hoạch thiếu rõ ràng - miễn sao kết quả đó giữ cho đối thoại tiếp diễn.

Từ góc nhìn của Trung Quốc, điều quan trọng nhất về nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên không phải là những phát biểu mơ hồ về phi hạt nhân hóa, mà là về chương trình cải cách kinh tế trong nước vừa mới manh nha của Bình Nhưỡng.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào tháng trước, một đoàn quan chức cấp cao Triều Tiên đã thăm Bắc Kinh "để học tập thành tựu phát triển kinh tế trong nước của Trung Quốc". Triều Tiên cải cách kinh tế luôn là mô hình mà Trung Quốc thích hơn.

Có lẽ, đối với Trung Quốc, chẳng có gì là thảm họa nếu Triều Tiên cứ ở trong những cuộc đàm phán không có hồi kết về phi hạt nhân hóa trong khi các công ty Trung Quốc giành hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên và tăng cường giao thương với nước này.

Đây chính là "giấc mơ Trung Quốc" mà Bắc Kinh muốn xuất khẩu: dùng thịnh vượng kinh tế để mang lại sự ổn định.

"Cho dù cuộc gặp thượng đỉnh đạt bước tiến như thế nào về vấn đề hạt nhân, Trung Quốc có ục tiêu chiến lược dài hạn quan trọng hơn", ông Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, phát biểu. "Đó là giúp Triều Tiên phát triển kinh tế, biến Triều Tiên từ một quốc gia nghèo, bị cô lập trở thành một nước bình thường và mở cửa".

Nhưng nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đi trệch hướng, nếu Mỹ lại bàn đến chuyện tấn công quân sự, Trung Quốc sẽ có hướng giải quyết khác. Khi đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đổ lỗi cho Mỹ.

"Nếu Mỹ rút khỏi cuộc gặp và quay trở lại vói chiến dịch gây sức ép tối đa, Trung Quốc sẽ đổ lỗi cho Mỹ gây ra thất bại ngoại giao", chuyên gia Zhao nói. "Và nếu Mỹ thể hiện sẵn sàng tấn công quân sự để phi hạt nhân hóa Triều Tiên, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ huy động lực lượng để gửi đi một tín hiệu ngăn ngừa đến Washington".

Trung Quốc đang đợi trong cánh gà của thượng đỉnh Mỹ-Triều. Dù cách này hay cách khác, cuộc gặp lịch sử này đều có thể giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng - BBC kết luận.