16:35 25/06/2015

Nhật Bản có thể tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông

Diệp Vũ

Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông đã gây nên "những mối quan ngại tiềm tàng rất nghiêm trọng" đối với Nhật Bản

Máy bay trinh sát P-3C của Nhật.<br>
Máy bay trinh sát P-3C của Nhật.<br>
Nhật Bản có thể cùng với Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra thường kỳ trên biển Đông, tờ Wall Street Journal ngày 25/6 dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cho biết. Cân nhắc này cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông đang thúc đẩy Tokyo giữ một vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh khu vực.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo trên, đô đốc Katsutoshi Kawano, tham mưu trưởng liên quân SDF, nói việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông thời gian gần đây đã gây nên “những mối quan ngại tiềm tàng rất nghiêm trọng” đối với Nhật Bản - một quốc gia có nhiều hoạt động thương mại trên tuyến đường biển đi qua biển Đông.

“Dĩ nhiên, khu vực này có ý nghĩa quan trọng rất lớn đối với an ninh Nhật Bản”, đô đốc Kawano phát biểu. “Hiện tại chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch nào về tuần tra trên biển Đông, nhưng tùy theo tình hình, tôi cho là chúng tôi sẽ cân nhắc để làm việc đó”.

Nếu Nhật cùng tuần tra với Mỹ trên biển Đông, thì đó sẽ là một động thái được Washington chào đón. “Nhật Bản được chào đón tham gia hoạt động [tuần tra] ở biển Đông nếu họ thấy phù hợp”, đô đốc Harry Harris, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây ở Tokyo.

Tuần này, lực lượng của Nhật Bản đã tham gia tập trận chung cùng Hải quân Philippines ở gần đảo Palawan, cách quần đảo Trường Sa chỉ vài trăm km. Tham gia cuộc tập trận chung này có máy bay trinh sát P-3C của Nhật, loại máy bay mà đô đốc Kawano miêu tả là có “khả năng siêu việt trong phát hiện tàu ngầm và các vật thể khác dưới nước”.

Mỹ đã cam kết sẽ đưa máy bay và tàu hải quân tới thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Australia đã tiếp hành các cuộc tuần tra ở khu vực này.

“Về vấn đề biển Đông, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện hải quân của họ và chi tiêu quốc phòng của họ vẫn đang tăng lên”, đô đốc Kawano nói. “Cũng bởi tồn tại sự thiếu minh bạch, chúng tôi rất lo ngại về các hành động của Trung Quốc”.

Khi được hỏi về những bình luận trên của vị đô đốc Nhật, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc duy trì luận điệu nói các hoạt động xây dựng của nước này ở quần đảo Trường Sa “hoàn toàn nằm trong chủ quyền của chúng tôi, không ai có thể tranh cãi”. Phát ngôn viên này nói các quốc gia ngoài khu vực không nên tìm cách làm căng thẳng gia tăng bằng cách can thiệp quân sự, và cách làm này “sẽ chỉ gây ảnh hưởng bất lợi”.