18:51 16/04/2018

Nhật Bản-Trung Quốc đối thoại kinh tế cấp cao lần đầu sau 8 năm

Diệp Vũ

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh những lời cảnh báo về thương mại từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tại Tokyo ngày 16/4 - Ảnh: Bloomberg.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tại Tokyo ngày 16/4 - Ảnh: Bloomberg.

Nhật Bản và Trung Quốc ngày 16/4 đã tổ chức đối thoại kinh tế cấp cao lần đầu tiên sau 8 năm, trong bối cảnh những lời cảnh báo về thương mại từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo hãng tin Bloomberg, trong cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, hai bên không đề cập đến các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức cuộc đối thoại là một bằng chứng cho thấy mức độ phụ thuộc của cả Trung Quốc và Nhật Bản vào thị trường Mỹ đã giảm, đồng thời cũng là bằng chứng về sự phụ thuộc lẫn nhau gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Từ trước khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã chỉ trích cả Trung Quốc và Nhật Bản về chính sách thương mại và kinh tế mà ông cho là không bình đẳng và gây thiệt hại cho Mỹ. Gần đây, ông áp thuế mạnh lên hàng hóa Trung Quốc, và mới tuần trước đã cảnh báo Nhật Bản khi nói rằng nước này "đã khiến chúng ta thiệt hại lớn về thương mại trong suốt nhiều năm".

Thương mại có thể là một chủ đề thảo luận khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp ông Trump trong tuần này ở Florida. Tuy nhiên, sự nổi lên của thương mại nội châu Á đã làm suy yếu những nỗ lực của Washington trong cuộc đối đầu thương mại.

Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước châu Á, ngay cả đối với những nước có liên minh quân sự với Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

Trung Quốc không chỉ là một đối tác thương mại, mà còn là một nguồn vốn đầu tư và du khách quan trọng đối với nhiều nước châu Á.

Nhật Bản-Trung Quốc đối thoại kinh tế cấp cao lần đầu sau 8 năm - Ảnh 1.

Kim ngạch thương mại năm 2017 của một số nước châu Á với Mỹ (màu đen) và với Trung Quốc (màu đỏ). Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: Bloomberg.

Mặc dù vậy, so với Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng đối với nhiều quốc gia ở khu vực này. Chẳng hạn, vốn đầu tư của Nhật ở Mỹ lớn gấp nhiều lần so với ở Trung Quốc. Và cho dù căng thẳng gia tăng gần đây, nhiều công ty châu Á vẫn phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là chuyện mới. Từ trước khi ông Trump có động thái mạnh nhằm vào thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, Mỹ đã kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhiều hơn số lần mà Mỹ kiện bất kỳ quốc gia châu Á nào khác ở tổ chức này, và Trung Quốc cũng đáp trả tương xứng.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay căng thẳng hơn nhiều và nền kinh tế Nhật Bản sẽ thiệt hại nếu mâu thuẫn tiếp tục leo thang. Bởi vậy, Nhật Bản sẽ phải bước đi trên một đường ranh giới mong manh, sao cho cân bằng giữa một bên là quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, và một bên là quan hệ với Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ nhì, cũng là đồng minh quân sự và người bảo trợ an ninh.

"Tôi hy vọng ngày hôm nay chúng ta có thể thảo luận sự hợp tác kinh tế gần gũi hơn, chặt chẽ hơn, cũng như về tình hình kinh tế và khu vực toàn cầu", Ngoại trưởng Kono phát biểu mở đầu đối thoại kinh tế cấp cao Nhật-Trung.

Về phần minh, ông Vương Nghị, người từng có 8 năm làm việc ở Nhật với tư cách một nhà ngoại giao, trong đó có 3 năm làm đại sứ, nói rằng môi trường kinh tế thay đổi mở ra những cơ hội mới cho hai nước.

"Sau khi tái khởi động cuộc đối thoại này, cả hai nước chúng ta cùng đứng trước một điểm khởi đầu mới để thảo luận về sự hợp tác trong tương lai mà tôi hy vọng sẽ dẫn tới sự tăng trưởng kinh tế mới cho cả hai nước", ông Vương Nghị phát biểu.

Tuần trước, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nói rằng chuyến thăm Nhật lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ mở đường cho chuyến thăm Tokyo vào tháng tới của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Quan hệ Trung-Nhật mấy năm qua suy giảm vì tranh chấp lãnh thổ kéo dài đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Mâu thuẫn gia tăng sau khi Chính phủ Nhật Bản giành quyền kiểm soát quần đảo này vào tháng 9/2012. Tuy nhiên, căng thẳng dịu đi vào năm ngoái khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát tín hiệu muốn cải thiện quan hệ.