Nhiều bất cập trong dự án xây dựng Đại lộ ven sông Sài Gòn
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều tỏ ra lo ngại về tính khả thi siêu dự án đổi 5% đất Tp.HCM lấy hạ tầng trong dự án
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản góp ý gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM liên quan đến đề xuất dự án đầu tư xây dựng Đại lộ ven sông Sài Gòn theo hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng - BT. Dự án này do Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, thuộc Tập đoàn Tuần Châu đề xuất.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nhà đầu tư cần làm rõ hướng, tuyến, địa điểm thực hiện trên cơ sở rà soát quy hoạch phát triển giao thông quốc gia, cũng như Tp.HCM. Doanh nghiệp cần làm rõ cơ sở tính toán, số liệu phân tích lưu lượng giao thông dự báo để xác định quy mô mặt cắt ngang, số làn xe yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh, phương án đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu cần bổ sung dự báo quy hoạch phát triển đô thị ở tương lai xa khoảng 30-40 năm.
Các phương án kết nối của đại lộ này với phương thức vận tải khác như đường sắt nội đô, đường thủy, đường hướng tâm, đường vành đai, cao tốc... và kết cấu hạ tầng kèm theo những phương thức vận tải này cũng được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu làm rõ.
Tháng 1 năm nay, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, đề xuất với Tp.HCM đầu tư Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi về đến quận 1).
Theo đề xuất, dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng, chiều dài khoảng 59 km, tốc độ xe dự kiến 100 km/h. Chủ đầu tư dự kiến thi công xong đưa vào sử dụng trong 18 tháng. Đại lộ này sẽ tạo điều kiện kết nối với quốc lộ 22, và các tuyến đường của tỉnh Bình Dương và chỉ mất khoảng 20-30 phút để đi từ Củ Chi về quận 1.
Để làm dự án, Tuần Châu đề xuất Tp.HCM đối ứng cho doanh nghiệp quỹ đất khoảng 12.400 ha, dự kiến lấy từ các khu vực ven sông thuộc các quận Bình Thạnh, 12 và các huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng địa phương cần xem xét tính khả thi của việc bố trí quỹ đất trên. Cơ quan này cũng lo ngại về năng lực tài chính và kinh nghiệm của chủ đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư... trong khi các thông tin này chưa được thể hiện trong đề xuất của doanh nghiệp.
Lo ngại này cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể hiện trong văn bản mới đây cho ý kiến về dự án đổi đất lấy hạ tầng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quỹ đất thu xếp cho dự án tương đương 5% tổng diện tích đất toàn Tp.HCM, hiện khoảng 209.600 ha. Do vậy, cần được xem xét tính khả thi việc bố trí quỹ đất trong bối cảnh nguồn lực đất đai rất hạn chế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Tuần Châu bổ sung các nội dung còn thiếu như: Giấy tờ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, kinh nghiệm thực hiện dự án cho phù hợp với quy định để các cơ quan có cơ sở thẩm định.
Đặc biệt, vấn đề khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại là khoản tiền ngân sách rất lớn mà nhà đầu tư xin ứng trước để giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư đưa ra.
Cụ thể, về vốn đầu tư Nhà nước tham gia dự án, nhà đầu tư đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng, xây lắp, tư vấn dự phòng với tổng giá trị 57.568 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư).
Bộ này cho rằng, đề xuất không phù hợp với quy định hiện hành bởi vốn Nhà nước chỉ tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình, dự án do bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đề xuất... Hơn nữa, các dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.