21:16 04/06/2019

Nhiều chủ doanh nghiệp “mất tích” khi vẫn còn nợ lương

Thu Hằng

Việc xác định "doanh nghiệp bỏ trốn" trong các quy định của pháp luật hiện hành và Luật Doanh nghiệp vẫn còn đang "bỏ ngỏ"

Nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc chủ bỏ trốn khi vẫn còn nợ lương - Ảnh minh họa: TH.
Nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc chủ bỏ trốn khi vẫn còn nợ lương - Ảnh minh họa: TH.

Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp "mất tích" hoặc "bỏ trốn" trong khi vẫn còn nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động là thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, việc xác định "doanh nghiệp bỏ trốn" trong các quy định của pháp luật hiện hành và Luật Doanh nghiệp vẫn còn đang "bỏ ngỏ".

Chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn chiếm tỷ lệ cao

Tình trạng nêu trên xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM… Theo thống kê của Liên đoàn Lao động Tp.HCM, trong giai đoạn 2013-2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 20 trường hợp doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn.

Theo đó, 4.282 người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp may (với 3.746 người lao động). Tổng số tiền doanh nghiệp nợ lương là hơn 23 tỷ đồng, nợ phép năm là hơn 700 triệu đồng, và nợ bảo hiểm xã hội là hơn 58 tỷ đồng.

Phân loại theo đối tác đầu tư, có đến 12 doanh nghiệp FDI với 3.476 người lao động, trong đó chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản..., trong khi con số này ở doanh nghiệp trong nước là 8.

Theo đại diện Liên đoàn Lao động Tp.HCM, việc các chủ doanh nghiệp bỏ trốn sau một thời gian hoạt động cũng có nguyên nhân từ việc quy định thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng và không có các quy định, cũng như chế tài hậu kiểm việc góp vốn của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các quy định khi phá sản doanh nghiệp phức tạp cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp "mất tích" mà không cần phải thực hiện bất cứ thủ tục gì.

Còn tại một địa phương "nóng" khác là Đồng Nai, theo liên đoàn lao động tỉnh, từ 1/1/2012 đến 31/12/2018 trên địa bàn có 66 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, giải thể, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 65 doanh nghiệp.

Đưa khái niệm "doanh nghiệp bỏ trốn" vào Luật Doanh nghiệp

Theo đánh giá của liên đoàn lao động ở các địa phương, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp có chủ bỏ trốn đều nợ lương, bảo hiểm xã hội rất nhiều, cũng như các chế độ khác của người lao động tại doanh nghiệp.

"Chủ doanh nghiệp âm thầm tẩu tán tài sản hoặc trước khi mất tích sẽ giao lại cho người quản lý, có thể là người Việt Nam, có khi là người nước ngoài tiếp tục điều hành hoạt động doanh nghiệp thêm một thời gian nữa. Những biểu hiện lạ này được người lao động và công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp phản ánh. Nhưng, sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng đã khiến người lao động gánh chịu nhiều hậu quả, như nợ lương và bảo hiểm xã hội…", đại diện Liên đoàn Lao động Tp.HCM phân trần.

Liên quan vấn đề này, ông Young-mo, chuyên gia về quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhận định, trên thực tế một doanh nghiệp chuẩn bị phá sản luôn có những dấu hiệu báo trước, với việc hoạt động kinh doanh bất bình thường. Tuy nhiên, các giải pháp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung vào giải quyết hậu phá sản là chính, chứ chưa chú ý nhiều đến việc chuẩn bị cho người lao động trước khi quá trình phá sản của doanh nghiệp diễn ra.

"Các quy định của pháp luật về doanh nghiệp phá sản tại Việt Nam vẫn đang bị bỏ ngỏ. Một doanh nghiệp sắp ngừng hoạt động luôn có những dấu hiệu không tốt cảnh báo, do đó cần có giải pháp ứng phó ngay tại thời điểm quá trình phá sản chưa diễn ra, nên vai trò của công đoàn trong những giai đoạn này là cực kỳ quan trọng", chuyên gia ILO nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã từng ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề trên, song trên thực tế lại chưa đi vào cuộc sống. Hơn hết, chính Luật Doanh nghiệp cũng chưa có khái niệm "doanh nghiệp bỏ trốn".

Do vậy, bà Hà kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa quy định về "doanh nghiệp bỏ trốn" vào Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa những thủ tục hành chính khi doanh nghiệp thực hiện hồ sơ giải thể, cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.