10:08 14/11/2017

Nhiều điểm nóng chờ chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng

Minh Đức

Đây cũng là những vấn đề lớn của đất nước, không riêng hoạt động ngân hàng và chính sách tiền tệ

2017 đang hình thành một năm khác biệt về tăng trưởng tín dụng, với tốc độ dự kiến cao hơn hẳn so với những năm gần đây. Dự kiến Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ giải trình về các tác động, các cân đối liên quan đến sự khác biệt này.
2017 đang hình thành một năm khác biệt về tăng trưởng tín dụng, với tốc độ dự kiến cao hơn hẳn so với những năm gần đây. Dự kiến Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ giải trình về các tác động, các cân đối liên quan đến sự khác biệt này.

Theo chương trình dự kiến, cuối tuần này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sẽ trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội. Nhiều điểm nóng đang chờ được diễn giải.

Đây là lần đầu tiên Thống đốc Lê Minh Hưng lên "ghế nóng" tại diễn đàn Quốc hội, sau một năm rưỡi đảm nhận vị trí tư lệnh ngành ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ.

"Ngân hàng 0 đồng" và đại án

Điểm nóng nhất dự kiến có thể được đặt ra: tình hình hoạt động và kết quả xử lý các ngân hàng yếu kém, trong đó tập trung ở những trường hợp Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.

Kết quả hoạt động những ngân hàng này được kiểm toán cập nhật gần đây. Nguyên nhân và cơ chế liên quan đã từng đặt ra, thảo luận và cả chất vấn tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp trước. Theo đó, điều được chờ đợi ở kỳ chất vấn này, nếu được đặt ra, là triển vọng, giải pháp để xử lý nhanh và dứt điểm.

Song song và có liên quan, những vụ đại án trong hoạt động ngân hàng lần lượt đưa ra xét xử, người đứng đầu ngành sẽ nói gì? Ở nội dung này, quá trình xét xử vừa qua cũng đã mở ra nhiều thông tin, kết luận từ các cơ quan chức năng. Và như trên, chờ đợi vẫn là giải pháp để hạn chế các vụ việc phát sinh trong tương lai.

Với Thống đốc Lê Minh Hưng, ngay lần xuất hiện đầu tiên ở cương vị đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, tại hội nghị toàn ngành giữa năm 2016, quan điểm đã nêu: kiên quyết loại trừ những cá nhân "có vết", hay những trường hợp đã có vi phạm thì tuyệt đối không được trở lại tham gia quản trị, điều hành ngân hàng thương mại.

Khi Ngân hàng Nhà nước được giao làm đầu mối xây dựng, hướng quy định trên đã được đưa vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trình Quốc hội cũng tại kỳ họp này.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng là người nhấn mạnh đến yêu cầu "tiền tươi" trong tái cơ cấu ngân hàng. Theo đó, các cá nhân, tổ chức tham gia tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư trở thành cổ đông lớn đều phải chứng minh nguồn tiền; các giao dịch lớn phải truy xuất và chứng minh tiền thật. Sự soát xét này nhằm phòng ngừa tình trạng vốn ảo dễ dẫn đến hệ lụy trong tương lai.

Trong quá trình tái cơ cấu một số ngân hàng thương mại hai năm qua, một số kế hoạch lớn của một số nhà (nhóm đầu tư) đã phải thay đổi, hoặc từ bỏ trước quan điểm phải có "tiền tươi" này.

Ở hướng xử lý các "ngân hàng 0 đồng", trong một lần trao đổi gần đây với VnEconomy, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang làm việc với một số nhà đầu tư, cũng như tìm kiếm các đối tác tiềm năng cùng tham gia; bên cạnh các điều kiện chuyên ngành, "tiên tươi" từ những nhà đầu tư đó cũng là yêu cầu đầu tiên.

Và ngay sau khi đảm nhận vị trí đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, xử lý các "ngân hàng 0 đồng" là một trong những đề án đầu tiên Thống đốc Lê Minh Hưng xây dựng, trình Bộ Chính trị và Chính phủ… Có các đề án cụ thể gắn với từng trường hợp. Tuy nhiên, có những điều kiện, cơ chế còn chờ đợi dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua.

Cái bắt tay với chính sách tài khóa

Không nổi bật trong các dòng chảy thời sự thời gian qua, nhưng sự phối hợp của chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa vẫn là một điểm nóng, một vấn đề trọng điểm của đất nước, có thể đặt ra chất vấn Thống đốc.

Liên tục qua các phiên họp thường kỳ, thực trạng giải ngân đầu tư công chậm được Chính phủ nhấn mạnh, đặt yêu cầu thúc đẩy quyết liệt. Cùng đó, lượng lớn tiền gửi ngân sách "khê đọng" trong hệ thống ngân hàng kéo dài, lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ, cung tiền… đã ảnh hưởng thế nào đến các cân đối lạm phát, lãi suất, tỷ giá? Ngân hàng Nhà nước đã ứng xử và điều tiết hợp lý trong vấn đề này như thế nào, có hệ quả độ trễ trong tương lai hay không?

Trong cái bắt tay giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, gắn với những cân đối trên, điều chờ đợi Thống đốc lý giải về sự chèn lấn, lấn át hay không đối với yêu cầu thường trực Chính phủ đề ra là giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và dân cư.

Thực tế, trong hai năm qua, chính sách tài khóa đánh dấu hoạt động huy động vốn quy mô lớn qua phát hành trái phiếu Chính phủ, lãi suất trái phiếu đã giảm rất mạnh ở các kỳ hạn. Còn với doanh nghiệp và dân cư, lãi suất cho vay vẫn đang tiếp tục là yêu cầu Quốc hội đặt ra nối sang năm 2018.

Tín dụng và tác động

Điểm nóng và khác biệt thể hiện năm 2017 là tăng trưởng tín dụng. Trước thềm phiên chất vấn này, nhiều tổ chức quốc tế lần lượt lên tiếng cảnh báo về tốc độ tăng tín dụng của Việt Nam.

Tác động có độ trễ. Theo đó, chờ đợi ở nội dung chất vấn là lý giải của Thống đốc về tính hợp lý của mức độ, diễn biến tăng tín dụng đối với lạm phát, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát chất lượng tín dụng trong tương lai.

Như trên, 2017 đang hình thành một năm khác biệt về tăng trưởng tín dụng, với tốc độ dự kiến cao hơn hẳn so với những năm gần đây. Chỉ tiêu ban đầu Ngân hàng Nhà nước xác định khoảng 18%, về sau Chính phủ đặt yêu cầu phấn đấu lên hơn 21%.

Bên cạnh tác động đến lạm phát và chất lượng tăng trưởng kinh tế, tín dụng tăng cao đang bám sát thế nào với các dòng chảy sản xuất kinh doanh? Tăng trưởng tín dụng khả quan ở các lĩnh vực ưu tiên như các cập nhật định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, nhưng nó có đi cùng và tiềm ẩn rủi ro trong sức nóng của thị trường chứng khoán năm nay, hay nhận diện thế nào ở tín dụng bất động sản với hình thái mới qua tín dụng tiêu dùng?

Trước khi chờ đợi những trả lời cụ thể trong nội dung chất vấn Thống đốc, những điểm có thể thấy từ đầu năm đến nay là một tốc độ tăng trưởng tín dụng trải đều qua các tháng, thay vì âm hoặc rất thấp những tháng đầu năm rồi dồn toa cuối năm như trước đây; tỷ trọng tín dụng bất động sản đã giảm xuống so với những năm trước, trong khi tỷ trọng cho vay đầu tư chứng khoán hiện rất nhỏ.

Cùng đó, điểm đang ghi nhận song song với tín dụng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong năm 2016, triển vọng đạt yêu cầu Quốc hội giao năm 2017.

Nhưng với lạm phát 2018, độ trễ của tăng tín dụng, hay đâu đó có quan ngại về dấu hiệu nới lỏng tiền tệ, sẽ như thế nào, trong khi lạm phát là cơ sở đầu tiên để cân đối thực hiện yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất mà Quốc hội vừa thông qua?

Nợ xấu cao còn đó

Nếu nhìn vào tỷ lệ, từ 2015, 2016 và đến nay, con số nợ xấu không có nhiều thay đổi, vẫn ở khoảng 2,5-2,7% theo báo cáo của các tổ chức tín dụng. Song, mức độ sát thực hơn với hai con số từng được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước, đến nay vẫn ở mức cao.

Báo cáo tài chính quý 3/2017 vừa công bố cũng cho thấy, nợ xấu theo con số tuyệt đối tăng mạnh tại nhiều thành viên.

Theo đó, thực trạng nợ xấu, kết quả và triển vọng xử lý thực chất như thế nào dự kiến sẽ là một trong những điểm nóng nhất chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng.

Có những thay đổi khách quan trong điểm nóng này. Nợ xấu vẫn ở mức cao, thậm chí tăng mạnh lên ở một số thành viên (theo con số tuyệt đối) có những nguyên do bắt nguồn cơ chế trong quá khứ.

2017 là năm trọng điểm hệ thống các tổ chức tín dụng dồn nhận về lượng nợ trước đây lẽ ra là nợ xấu nhưng được cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm; qua cơ cấu lại nhưng vẫn không thể xử lý và nay buộc phải ghi nhận là nợ xấu.

2017 cũng là năm đầu tiên kể từ 2013 Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phanh lại tốc độ mua nợ xấu. Cụ thể, từ 2013 đến thời điểm 15/9/2017, VAMC đã mua tổng dư nợ gốc nội bảng là 296.550 tỷ đồng, trong đó phần 2017 chỉ chiếm rất nhỏ với 20.995 tỷ đồng.

Về kết quả xử lý, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo cập nhật với Quốc hội. Nhưng nổi bật không nằm ở những con số. Điểm nhấn trong xử lý nợ xấu vừa qua là lần đầu tiên hệ thống ngân hàng đã có được khung khổ pháp lý, cơ chế hỗ trợ cụ thể bằng nghị quyết riêng của Quốc hội - một công tác mà Thống đốc Lê Minh Hưng thúc đẩy xây dựng ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của mình.

Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, dù vừa có hiệu lực từ 8/2017, nhưng đã đánh dấu một giai đoạn mới trong yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm.

Song song, đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020 cũng là một khung khổ liên quan đã được chốt lại. Và một bước tiến nữa, bao trùm và lâu dài, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng đang được Quốc hội thẩm định, thảo luận tại kỳ họp này.

Và những kết quả để… bớt nóng

Bên cạnh những vấn đề trọng điểm trên, lần đầu tiên Thống đốc Lê Minh Hưng lên "ghế nóng" nghị trường, nội dung chất vấn có thể bớt nóng "nhờ" các kết quả đạt được hai năm qua.

Ngay trước thềm chất vấn, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s ngày 31/10 đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực. Trước đó, cùng với Moody’s, tháng 5/2017, Fitch Ratings đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực.

Đó là kết quả của một quá trình, đánh dấu những thay đổi, chuyển biến về chất của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Một kết quả ý nghĩa, khi mà tới đây Việt Nam chuyển dần sang các khoản vay thương mại, những ưu đãi trong vay vốn nước ngoài hạn chế đi. Có được hạng mức tín nhiệm tốt hơn, chi phí đi vay (cả Chính phủ và doanh nghiệp) thêm điều kiện để có thể dễ chịu hơn.

Đi cùng, hạng mức tín nhiệm quốc gia còn gắn với năng lực dự trữ ngoại hối. Cũng ngay trước thềm phiên chất vấn này, ngày 10/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thể hiện nhịp điều hành tỷ giá mới, cùng loạt phiên mua vào lượng lớn ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối quốc gia liên tục lập kỷ lục, đạt 45 tỷ USD đến tháng 10/2017.

Liên quan, tỷ giá USD/VND được giữ ổn định, kéo dài và có triển vọng xuyên suốt năm 2017. Viên sỏi trong giày của nhà đầu tư nước ngoài đã được gạt đi. Nhiều năm trước, khối ngoại rót vốn vào Việt Nam thường vướng rủi ro tỷ giá với mức độ lớn. Năm nay, tỷ giá ổn định cũng là một trong những yếu tố góp phần kích thích vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong một năm bùng nổ kể từ sau ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Một trong những ngòi nổ của tỷ giá trước đây là thị trường vàng, đến nay, cũng đã gần như lặng sóng. Như VnEconomy đề cập ở bài viết gần đây, quy mô vốn vàng từng kê dày lên tới khoảng 160 tấn trong hệ thống ngân hàng, đến tháng 9/2017 chỉ còn lại 2,86 tấn gửi dưới dạng giữ hộ. Một nguồn lực lớn đã đi vào điều tiết thị trường, cũng như được chuyển hóa để đi vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Và như trên, lạm phát năm nay có triển vọng tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Kết quả này đặt kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện được mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay - một yêu cầu mà Quốc hội vừa thông qua tại nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.