Nhiều nỗi lo đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm tuần này
Tuần này, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm vì nỗi lo thương mại, lợi suất trái phiếu và giá dầu
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, dưới sức ép từ cổ phiếu ngân hàng và các hãng sản xuất thiết bị bán dẫn. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo ngại về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tuần này, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm vì nỗi lo thương mại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và giá dầu liên tục lập đỉnh.
"Tôi cho rằng mọi người đang chờ hướng đi rõ ràng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra. Thị trường cũng lo ngại về giá dầu nữa", ông Oliver Pursche, Phó chủ tịch kiêm chiến lược gia trưởng thị trường thuộc Bruderman Asset Management ở New York, phát biểu với hãng tin Reuters.
Ngày thứ Năm, nhiều tờ báo và hãng tin dẫn nguồn quan chức Mỹ nói Trung Quốc đề xuất cắt giảm 200 tỷ USD trong thâm hụt thương mại Mỹ-Trung hàng năm. Chỉ vài giờ sau khi thông tin được đăng tải, Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận, nhưng nói rằng cuộc đàm phán đang diễn ra "với tính xây dựng".
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Washington bắt đầu vào ngày thứ Năm và sẽ kết thúc trong ngày thứ Sáu theo giờ địa phương.
Cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Boeing tăng trong phiên này khi giới đầu tư hy vọng về giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung, trong đó Trung Quốc có thể tăng cường mua máy bay của hãng. Nhờ mức tăng 2,1% của cổ phiếu Boeing mà chỉ số Dow Jones hạn chế được mức giảm điểm phiên này.
Cổ phiếu của các công ty nhỏ - đối tượng ít chịu ảnh hưởng của thuế quan - tiếp tục tăng tốt hơn so với các cổ phiếu lớn. Nhờ vậy, chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ đóng cửa ở mức kỷ lục phiên thứ ba liên tục.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm khỏi mức đỉnh 7 năm thiết lập vào hôm thứ Năm. Giới đầu tư đã quay lại mua trái phiếu kho bạc Mỹ sau đợt bán tháo vào đầu tuần - khi các nhà đầu tư lo ngại về lạm phát tăng.
Dù các ngân hàng thường hưởng lợi từ lãi suất tăng, cổ phiếu của loạt nhà băng lớn gồm JPMorgan Chase, Citigroup, Bank of America và Wells Fargo cùng giảm phiên này, kéo nhóm cổ phiếu tài chính thuộc S&P 500 hạ 0,9%.
Một số nhà đầu tư đã bày tỏ hoài nghi về việc liệu ngành ngân hàng Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, trừ phi tốc độ tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh và các quy chế giám sát được nới lỏng nhiều hơn.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,26%, còn 24715,09 điểm. S&P 500 giảm 0,26%, còn 2.712,97 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,38%, còn 7.354,34 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 0,5%; S&P 500 hạ 0,5% và Nasdaq mất 0,4%.
Giá cổ phiếu Alphabet, hãng mẹ công cụ tìm kiếm Google, giảm 1,1% trước khi chương trình "60 Minutes" của CBS News phát sóng một câu chuyện về hãng vào cuối tuần này.
Cổ phiếu hãng sản xuất thiết bị bán dẫn Applied Materials giảm 8,2% sau khi hãng đưa ra dự báo ảm đạm về kết quả kinh doanh năm 2019. Dự báo của Applied Materials làm gia tăng thêm những lo ngại về nhu cầu điện thoại thông minh (smartphone) chững lại trên toàn cầu.
Chỉ số Philadelphia Semiconductor Index, thước đo giá cổ phiếu các nhà sản xuất con chip, giảm 1,4% phiên này, mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng.
Cổ phiếu hãng máy công nghiệp Deere & Co kéo cả nhóm tăng theo khi tăng 5,7% nhờ công ty tăng dự báo lợi nhuận cả năm.
Cổ phiếu hãng thực phẩm Campbell Soup giảm 12,4% sau khi Giám đốc điều hành (CEO) đột ngột từ chức và công ty cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm, cho rằng chi phí tăng sẽ gây sức ép lên lợi nhuận.
Giá dầu giảm trở lại khiến nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P giảm 0,8%. Tuy vậy, giá dầu đã tăng tuần thứ 6 liên tiếp trong tuần này.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,01 lần số cổ phiếu tăng giá phiên này. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,03 lần.
Có tổng cộng 6,18 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức 6,64 tỷ cổ phiếu trung bình mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.