Nhìn nhận "khoảng lặng" của nền kinh tế
Trong 7 phút phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm hai lần nhấn mạnh khoảng lặng của nền kinh tế 2017.
Trong 7 phút phát biểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm hai lần nhấn mạnh khoảng lặng của nền kinh tế 2017.
Sáng 25/5 Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên của 1,5 ngày xem xét tình hình kinh tế - xã hội.
Trước khi nêu những vấn đề bức xúc của kinh tế - xã hội, các đại biểu đều ghi nhận những kết quả toàn diện của năm 2017, sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ.
"Xin được chúc mừng Thủ tướng", đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nói sau khi nêu những điểm sáng của nền kinh tế.
Con số 6,81% tăng trưởng GDP của năm 2017 cũng được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhấn mạnh là mức tăng trưởng cao nhất của 10 năm qua.
Nhưng, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ" thì có những khoảng lặng cần được nhìn nhận từ con số này.
Khai thác dầu không tăng thì không thể đạt 6,81%
Cần lưu ý, theo đại biểu Hàm là nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
Ông Hàm cũng thống nhất với nhận định của báo cáo Chính phủ, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016.
Nhưng, theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố vượt như đã nói thì GDP năm 2017 chỉ đạt 6,4-6,6%, Như vậy tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu. Đây là khoảng lặng trong tăng trưởng 2017 cần nhìn nhận, ông Hàm nhấn mạnh.
Ngoài ra, quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, nghĩa là phải phấn đấu 2 năm vẫn chưa đạt như kỳ vọng đặt ra từ năm 2016. Tăng trưởng đạt quy mô, phấn đấu 2 năm mới gần đạt kỳ vọng quy mô GDP. Khi quy mô không đạt kỳ vọng, tích luỹ nền kinh tế, động lực đà tăng trưởng không như kỳ vọng. Với nền kinh tế đang khát khao vươn lên, quy mô GDP khoảng 5 triệu tỷ đồng là khiêm tốn. Đây là vấn đề thứ 2 cần phải nhìn nhận thoả đáng, theo đại biểu Hàm.
Vấn đề cần lưu ý tiếp theo, theo đại biểu Hàm là nhân tố tạo bứt phá 2017 không duy trì bền vững, chỉ tạo đà cho tăng trưởng quý I đạt cao 7,38, còn quý sau dự báo sẽ giảm dần. "Vấn đề này cũng cần phân tích kỹ để tìm căn nguyên, diễn biến hiện không theo thông thường quý sau tăng cao hơn quý trước mà giống cách đây 10 năm khi kinh tế trong nước bất ổn, lạm phát phi mã...Thành tựu cơ bản nhưng có khoảng lặng cần nhìn nhận để phát triển. ", ông Hàm nói.
Với khó khăn, thách thức ông Hàm nhắc tới điểm nghẽn trong khó khăn ngành chế biến, chế tạo. Khi hiện tỷ lệ gia công lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo. Lĩnh vực này tăng nghĩa là Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, song tạo ra nghịch lý là gia công lắp ráp không mạng lại nhiều giá trị gia tăng.
"Tăng trưởng như vậy chưa bền vững, cùng với tác động cách mạng 4.0 nên trong chuỗi giá trị toàn cầu ngay lợi thế này không còn chỗ đứng", ông Hàm lưu ý.
Điểm tiếp theo cần lưu ý theo vị đại biểu Phú Thọ là bất cập trong sản xuất nông nghiệp cũng vậy, chủ yếu sản xuất thô, sơ chế; nông nghiệp công nghệ cao phụ thuộc lớn vào nhập khẩu máy móc, thiết bị.
Vấn đề nữa, tăng trưởng đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI, nhưng không tận dụng hết lợi thế này. Hiện đóng góp FDI vào xuất khẩu, tăng trưởng rất lớn, như Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo. Doanh nghiệp FDI chiếm 73% xuất khẩu, 66% nhập khẩu. Hơn nữa, giá trị gia tăng từ tăng trưởng khi phân chia thường phần hơn thuộc về doanh nghiệp FDI; liên kết giữa doanh nghiệp.
Rồi, năng suất lao động cải thiện nhưng so vớvới mặt bằng chung rất lớn, thua cả Lào, chỉ bằng 87% của Lào.
Cuối cùng, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ đang hạn hẹp dần là vấn đề theo ông Hàm cũng cần phải lưu ý.
Ước gì đạo đức được như ngày xưa
Băn khoăn của không ít ý kiến là kinh tế phát triển nhưng nhiều vấn đề xã hội nổi lên bức xúc.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, cử tri đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo nhanh hơn, nhiều hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Trước hết là vấn đề suy thoái về đạo đức, vấn đề kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. Thời gian gần đây đã xảy ra những câu chuyện động trời, gây bất bình dư luận, như đốt than tre làm thuốc trị ung thư, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non... Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người và còn nhiều những câu chuyện động trời khác.
Cử tri lo lắng và tâm tư rằng, ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa, đại biểu Cầu phát biểu.
Nguyên nhân tình trạng trên có nhiều, nhưng theo đại biểu thì trước hết là sự xuống cấp đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước.
"Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị, ngăn chặn, đẩy lùi những "căn bệnh" như trên càng nhanh càng tốt", đại biểu nói.
Phản ánh tiếp theo từ đại biểu là cử tri phấn khởi với kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn tâm tư, trăn trở trước sự lãng phí lớn ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản.
Tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng để nhiều năm chưa triển khai, gây lãng phí. Tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, đầu cơ, chọn đất vàng chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân còn nhà nước thất thoát lớn. Trong xây dựng cơ bản, cử tri cho biết rằng nếu xây dựng một ngôi nhà có cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu còn nhà nước thì xây hết một tỷ nhưng chất lượng, thẩm mỹ không bằng nhà của dân, vị đại biểu Nghệ an nói tiếp.
Tình trạng quản lý yếu kém, gây thất thoát lãng phí như 12 đại dự án là một ví dụ nhãn tiền. Gần đây, xuất hiện thêm những vấn đề xung quanh các dự án BOT, BT, cổ phần hoá doanh nghiệp. Cá biệt như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục nêu vấn đề và đề nghị cần truy trách nhiệm, xử lý nghiêm trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư chậm, lãng phí ngân sách.