16:24 25/11/2021

Nhờ khẩn trương tiêm nhắc lại, Anh ít bị ảnh hưởng trong làn sóng Covid ở châu Âu

An Huy

Việc triển khai nhanh chóng mũi tiêm nhắc lại được cho là nhân tố giúp Anh tránh được sự gia tăng chóng mặt về số ca nhiễm mới và nhập viện vì Sars-CoV2 như những gì đang diễn ra ở các nước láng giềng...

Một bác sỹ đang chăm sóc bệnh nhân Covid trong phòng hồi sức tích cực (ICU) ở Sofia, Bulgaria, hôm 15/10/2021 - Ảnh: Reuters.
Một bác sỹ đang chăm sóc bệnh nhân Covid trong phòng hồi sức tích cực (ICU) ở Sofia, Bulgaria, hôm 15/10/2021 - Ảnh: Reuters.

Khi làn sóng Covid-19 nổi lên ở Tây Âu trong những tháng gần đây, nước Anh chịu ảnh hưởng không nhiều. Việc triển khai nhanh chóng mũi tiêm nhắc lại được cho là nhân tố giúp Anh tránh được sự gia tăng chóng mặt về số ca nhiễm mới và nhập viện vì Sars-CoV2 như những gì đang diễn ra ở các nước láng giềng.

Theo phân tích của tờ Financial Times, số ca nhiễm mới Covid hàng ngày bình quân 100.000 dân ở Anh hiện thấp hơn so với con số tương ứng của hơn 10 nước châu Âu khác, trong đó có Bỉ và Hy Lạp. Số ca tử vong do Covid hàng ngày ở Anh bình quân 100.00 dân cũng thấp hơn 40% so với mức bình quân của các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Tỷ lệ nhiễm mới ở một số nước Tây Âu hiện vẫn đang thấp hơn so với ở Anh, nhưng con số này đã tăng 30% trong tuần qua ở Đức, tăng 59% ở Tây Ban Nha và tăng 83% ở Pháp. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm mới ở Anh chỉ tăng 8%. Theo số liệu mới nhất từ Our World in Data, trong 7 ngày gần nhất, Anh bình quân mỗi ngày có hơn 42.800 ca nhiễm mới.

Tương quan này chủ yếu do chiến dịch tiêm nhắc lại thành công ở Anh. Trái lại, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp và việc sớm dỡ bỏ các hạn chế chống dịch được xem là nguyên nhân khiến câu chuyện ở phần lớn của châu Âu diễn biến theo một chiều hướng hoàn toàn khác.

Ông Phillppe Douste-Blazzy, một cựu Bộ trưởng Bộ Y tế hiện đang làm việc tại Liên hiệp quốc, nói với Financial Times rằng Anh đã “hành động nhạy bén” bằng cách “hướng trọng tâm đến việc tiêm nhắc lại sớm hơn so với phần còn lại của châu Âu”.

Tỷ lệ tiêm nhắc lại đạt hơn 80% ở người trên 60 tuổi đủ tiêu chuẩn tiêm mũi 3 ở Anh đã giúp giảm áp lực lên hệ thống bệnh viện của nước này trong nửa tháng qua. Trong số những người đã tiêm mũi thứ hai cách đây ít nhất 6 tháng ở Anh, khoảng 70% đã tiêm nhắc lại, so với tỷ lệ tương ứng 52% ở Đức và 43% ở Italy.

“Nước Anh đã chọn chấp nhận một đỉnh dịch dài và rộng, nhưng mức đỉnh thấp hơn, trong khi phần lớn của châu Âu sẽ có một mức đỉnh rất cao”, phó giáo sư Jeroen van der Hilst thuộc Đại học Hasselt của Bỉ nhận định. “Ở một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế là những người đã tiêm vaccine vẫn bị nhiễm virus… Nước Anh khôn ngoan khi chấp nhận điều đó trong mùa hè tương đối bình yên vừa qua, trong khi các nước khác đến giờ mới bắt đầu làm việc này”.

Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Mark Woolhouse thuộc Đại học Edinburgh phát biểu: “Ở Anh, làn sóng biến chủng Delta, sự suy giảm miễn dịch, và các cuộc tụ tập trong nhà trong mùa đông diễn ra một cách riêng rẽ. Ở những nước như Áo, những yếu tố này xảy ra đồng thời và tạo ra một cơn bão hoàn hảo”.

Tỷ lệ tiêm chủng ban đầu ở Anh đã cao hơn một số nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch này. Tại Anh, số người từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm ít nhất 1 mũi vaccine chỉ còn 13%, trong khi ở Đức và Áo, con số này là hơn 20%. Tuy là nước đầu tiên ở châu Âu dỡ phong toả, Anh cũng là một trong nước đi đầu về tiêm chủng.

Tuy nhiên, giáo sư về bệnh truyền nhiễm John Edmunds thuộc Trường Vệ sinh và Y nhiệt đới London nói rằng chiến lược chống Covid của Anh “không phải là không gây tổn thất”. Khoảng 15.000 người ở nước này đã chết vì Covid kể từ khi Anh dỡ phong toả vào đầu mùa hè năm nay. Trong cùng khoảng thời gian, hơn 100.000 người ở Anh phải nhập viện vì Sars-CoV2.

Từ giữa tháng 7 cho đến khi làn sóng Covid hiện nay bắt đầu nổi lên ở châu Âu vào tháng 10, Anh là nước có tỷ lệ tử vong do Covid bình quân đầu người cao thứ 5 ở châu Âu. Sau đó, số ca tử vong gia tăng nhanh ở châu Âu đã đẩy nhiều quốc gia khác vượt qua Anh ở phương diện này.

Những nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - với tỷ lệ tiêm phòng cao, tốc độ lây nhiễm thấp, và sự kiên trì áp dụng những biện pháp như đeo khẩu trang – vẫn giữ được vị thế tốt hơn nhiều so với Anh, theo ông Edmunds.

Diễn biến số ca nhiễm Covid mới ở Anh - Nguồn: Our World in Data.
Diễn biến số ca nhiễm Covid mới ở Anh - Nguồn: Our World in Data.
Diễn biến số ca nhiễm Covid mới ở Đức - Nguồn: Our World in Data.
Diễn biến số ca nhiễm Covid mới ở Đức - Nguồn: Our World in Data.

Giáo sư Woolhouse nhấn mạnh rằng do mức độ lây nhiễm rất cao trong mùa hè năm nay ở Anh, sự bảo vệ miễn dịch nói chung ở nước này có thể đã đạt vào hàng cao nhất ở châu Âu.

Nhà nghiên cứu Viola Priesemann thuộc viện nghiên cứu Max Planck Institute for Dynamics and Self-Organization ở Gottingen, Đức, nói rằng sự trái ngược giữa chiến lược của Anh và Đức có thể bắt nguồn từ một “tính toán rủi ro rất khác”.

Tại Đức, số ca nhiễm Covid-19 đang gần với mức của Anh, dẫn tới cảnh báo tuần này từ Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel, rằng các biện pháp chống dịch hiện nay là “chưa đủ”. Ngược lại, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần này vẫn khẳng định rằng “không có gì từ dữ liệu cho thấy chúng ta cần phải chuyển sang kế hoạch B”.

“Có một sự khác biệt căn bản về mức độ sẵn sàng chấp nhận sức ép lên hệ thống y tế”, ông Priesemann nói.

Nhiều chuyên gia tin rằng thời gian tới, Anh sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chiến dịch tiêm nhắc lại. Nhà dịch tễ học Nicola Low thuộc Đại học Bern nói rằng việc vượt qua giai đoạn căng thẳng của đại dịch sẽ “đòi hỏi nhiều thời gian, nên việc tiêm mũi thứ ba sẽ rất quan trọng”.

Bà Low nói thêm: “Thực sự mà nói, chúng ta nên thôi gọi đó là mũi tiêm tăng cường, mà hãy gọi đó là mũi tiêm thứ ba. Bởi vì rất có khả năng, chế độ tiêm 3 mũi là cần thiết để bảo vệ chúng ta”.