08:00 22/11/2023

Những đơn vị "đội sổ" giải ngân vốn đầu tư công tại Nghệ An

Nguyễn Thuấn

Giải ngân vốn đầu tư của Nghệ An chưa đạt như kỳ vọng, vì vậy để đạt mục tiêu 95% kế hoạch năm 2023, thời điểm cuối năm tỉnh này phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ....

Tính đến ngày 31/10/2023, Sở Y tế tỉnh Nghệ An là một trong những đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tưu công
Tính đến ngày 31/10/2023, Sở Y tế tỉnh Nghệ An là một trong những đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tưu công

Tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình của tỉnh này. Theo số liệu giải ngân của Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 31/10/2023, tổng vốn đầu tư công tập trung toàn tỉnh Nghệ An mới giải ngân 3.678 tỷ đồng, đạt 51,42%.

Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân 2.910,493 tỷ đồng, đạt 52,12%; kế hoạch vốn kéo dài đã giải ngân 768,127 tỷ đồng, đạt 48,93%. Đáng chú ý, số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 200,438 tỷ đồng, chỉ đạt 26,8%.

Bên cạnh một số cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt khá, thì vẫn còn 7 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân và 21 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh. 7 cơ quan bao gồm: Sở Y tế (81,88 tỷ đồng), Trường Cao đẳng Việt - Đức (25 tỷ đồng), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (10,043 tỷ đồng), Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành (5 tỷ đồng), Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh (2 tỷ đồng), Chi cục Phát triển nông thôn (2 tỷ đồng), Trường Trung học phổ thông Mường Quạ (1,5 tỷ đồng).

Trong 21 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh, có 8 huyện, thành phố, thị xã gồm: Tương Dương (19,6%), Quế Phong (22,51%), Kỳ Sơn (27,62%), thành phố Vinh (30,12%), Quỳnh Lưu (34,44%), Con Cuông (45,29%), Nghĩa Đàn (46,43%), Quỳ Châu (49,86%) và 13 đơn vị chủ đầu tư ngoài huyện.

Tính đến ngày 15/11, nhiều đơn vị, địa phương của Nghệ An đạt tỷ lệ giải ngân khá cao như: Nam Đàn (90,56%), Thanh Chương (76,39%), Đô Lương (76,16%), Thị xã Hoàng Mai (70,23%), Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An (100%), Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ (94,65%), Công an tỉnh (94,45%), Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam (88,26%), Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ (83,62%), Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh (78,23%), Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (77,44%), Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Tây Bắc Nghệ An (75,97%), Sở Giao thông Vận tải (73,89%), Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (71,07%),...

Tại cuộc họp UBND tỉnh Nghệ An đầu tháng 11, lãnh đạo tỉnh này cũng như các sở, ngành xác định, thời gian từ nay đến cuối năm 2023 không còn nhiều, trong khi kế hoạch vốn đầu tư công còn lại phải giải ngân là rất lớn, nên cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ.

Để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương và các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân, phấn đấu đạt mục tiêu 95% kế hoạch đầu tư công năm 2023, theo Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và giải ngân toàn bộ số vốn từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, được UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo, triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Trong đó, UBND tỉnh này đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc, quán triệt, chỉ đạo xử lý hồ sơ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, chủ đầu tư.

Tháng 9 vừa qua, Nghệ An cũng đã thành lập tổ công tác cấp phòng để hỗ trợ các chủ đầu tư giải ngân chậm. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết và cam kết tiến độ giải ngân từng dự án, nhất là các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh rà soát và báo cáo cụ thể tiến độ 10 ngày 1 lần; tiếp tục thực hiện thông báo giải ngân 10 ngày 1 lần đến các chủ đầu tư.