Những hệ sinh thái ẩn sau hiện tượng HDBank
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gọi đó là "hệ sinh thái đặc quyền" của HDBank
Ngày 5/1 tới, 981 triệu cổ phiếu HDB của HDBank sẽ chào sàn HOSE với giá khởi điểm 33.000 đồng/cổ phiếu. Qua kế hoạch chào sàn này, nhiều thông tin về ngân hàng tạo hiện tượng trong năm 2017 được đề cập chi tiết hơn.
HDBank tạo hiện tượng trong năm 2017 trước hết ở kết quả kinh doanh, kế đến là sự kiện IPO lớn vừa hoàn tất. Ẩn sau những thành công đó phải kể đến những hệ sinh thái riêng có.
Nền tảng khá đặc biệt
5 năm sau sáp nhập DaiABank, từ top 30 HDBank vượt lên vào top 10 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, cũng như ở nhóm đầu về hiệu quả…
Với mức giá chào sàn 33.000 đồng/cổ phiếu ngày 5/1 tới, dự kiến đây sẽ là doanh nghiệp niêm yết thuộc top 20 vốn hóa lớn nhất trên HOSE.
Mức giá trên sát với đánh giá của 76 nhà đầu tư nước ngoài (với nhiều tên tuổi lớn trên thế giới), khi bỏ ra 300 triệu USD để sở hữu 21,5% cổ phần HDBank trong thương vụ IPO lớn thứ hai trong lịch sử các ngân hàng Việt Nam vừa hoàn tất cuối năm qua.
Kết quả kinh doanh đột biến, thương vụ IPO "khủng", giá cổ phiếu chào sàn cao so với nhiều mã khác cùng ngành…, tựu trung được gắn với một ngân hàng thương mại bán lẻ hàng đầu, cũng như tiềm năng tiếp tục thể hiện vị thế này.
Nhưng, vì sao HDBank nhanh chóng tạo được vị thế đó?
Dĩ nhiên, nó được lý giải ở các tầm nhìn vĩ mô, chiến lược, quản trị, tổ chức kinh doanh, thiết kế và chất lượng sản phẩm dịch vụ… Quan trọng hơn, ngân hàng này có một nền tảng khá đặc biệt, trong đó có yếu tố đặc quyền, hỗ trợ cho chiến lược ngân hàng bán lẻ mà ít thành viên khác trong hệ thống có được.
Tại lễ trao giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho hơn 76 nhà đầu tư nước ngoài ngày 21/12 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HDBank phát biểu rằng: "Chúng tôi đã chuẩn bị mọi nền tảng cho kế hoạch tăng trưởng 2017 - 2021 tiếp theo với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, với tốc độ tăng trưởng từ bình quân 25% mỗi năm phục vụ số lượng 15 triệu khách hàng vào năm 2020".
Đáng chú ý, vị doanh nhân tỷ phú này nhấn mạnh đến một chi tiết: "Với hệ sinh thái đặc quyền từ hàng không, siêu thị, viễn thông… và năng lực M&A, chúng tôi hướng tới vị trí dẫn đầu tại thị trường. Chúng tôi tin tưởng ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, khả năng phát triển doanh thu trên nền tảng kênh phân phối dày đặc, dịch vụ rộng và hoàn chỉnh, hệ thống công nghệ tiên tiến, trong thị trường ngân hàng đang bùng nổ tại Việt Nam".
"Hệ sinh thái đặc quyền" và "nền tảng kênh phân phối dày đặc" trong phát biểu trên gợi mở về một đặc thù tại HDBank.
Tài nguyên lớn
Ngày 28/4/2016, HDBank ký hợp đồng cho vay lại gần 3.000 tỷ đồng từ JICA để thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước Nhơn Trạch Đồng Nai (giai đoạn 2).
Về mặt thương hiệu, qua dự án này ngân hàng tăng thêm uy tín khi được Bộ Tài chính phê duyệt quản lý nguồn vốn ODA. Thêm nữa, có phần lãi suất nhất định. Nhưng, giá trị tiềm ẩn ở đây, HDBank có cơ hội tiếp cận gần 3 triệu khách hàng của dự án trên địa bàn.
Làm ngân hàng, với hướng bán lẻ, lợi nhuận là trước mắt, tài nguyên khách hàng mới là giá trị lâu dài. HDBank đang có lợi thế tài nguyên đó, khi có những hệ sinh thái "dày đặc" không thể hiện trên báo cáo tài chính, hay ở những con số lợi nhuận công bố.
Đã quen thuộc, HDBank được biết đến với doanh nhân tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, cũng là nhân vật gắn với hãng hàng không VietjetAir. Cụ thể hơn, HDBank đang sở hữu 15,95 triệu cổ phiếu VietjetAir, tương đương với 4,95% cổ phần với tư cách cổ đông sáng lập. Và cổ đông chủ chốt của HDBank cũng đồng thời là cổ đông sáng lập VietjetAir.
Hãng hàng không này đến cuối 2017 ước tính đã có khoảng 20 triệu khách hàng, hơn 18.500 đại lý bán hàng - cơ sở đầu tiên mà bà Phương Thảo nhấn mạnh HDBank hướng đến phục vụ trong phát biểu trên.
Ngân hàng còn có công ty tài chính HDSaison đứng thứ ba về thị phần, với hơn 2,3 triệu khách hàng, hơn 7.500 điểm giới thiệu sản phẩm trên cả nước.
Chỉ riêng hệ sinh thái HDBank - HDSaison - VietjetAir đã tạo được cơ hội tiếp cận hàng chục triệu khách hàng cá nhân, với hàng chục nghìn điểm giới thiệu và phân phối sản phẩm, dịch vụ.
Chưa hết, hệ sinh thái nền tảng khách hàng của HDBank không chỉ xoay quanh các mối quan hệ sở hữu, mà còn mở rộng ở các lĩnh vực tiêu dùng, siêu thị, viễn thông… như bà Thảo nói ở trên.
Như với Vinamilk, công ty sữa lớn nhất Việt Nam đang sở hữu hơn 50.000 đại lý phân phối trên toàn quốc. Một kết nối ở đây giữa hai bên, đã có những hợp tác trên thực tế, cũng mở ra tiềm năng lớn trong tiếp cận khách hàng cho HDBank.
Tương tự, quan hệ đối tác với Saigon Co-op - chủ sở hữu của chuỗi 82 siêu thị, cùng Công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng... tạo thêm một hệ sinh thái rộng và đan xen mà nhà tư vấn ở đợt IPO vừa qua đánh giá là bền chặt với HDBank.
Bên cạnh hoạt động ngân hàng truyền thống, HDBank có lợi thế và sớm thiết lập được nền tảng bằng những hệ sinh thái rộng lớn như vậy, để nhanh chóng thúc đẩy chiến lược bán lẻ, trong xu hướng sẽ bùng nổ tại Việt Nam những năm tới như bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói, mà trong đó cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt.