Những món hải sản “ăn liền” mở đường xuất khẩu
Sau nhiều năm xuất khẩu, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài việc sản xuất các sản phẩm theo công thức của bên mua, nhiều doanh nghiệp Việt đã nghiên cứu phát triển sản phẩm chế biến sâu để tạo lợi thế cạnh tranh...
Những con cua gạch Cà Mau hấp sẵn mới đây đã bắt đầu thăm dò thị trường Mỹ với giá bán lẻ 22 USD, tương đương 545.000 đồng mỗi con trọng lượng khoảng 400 gram. Sản phẩm bắt đầu được bán ra từ tuần này tại các chợ và siêu thị người Việt, Hàn Quốc, Hong Kong và chuẩn bị thủ tục lên một sàn thương mại điện tử chuyên về thực phẩm tại nước này. Trong thời gian thử nghiệm, CEO Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư cho biết dự kiến xuất 800 kg đến một tấn cua gạch hấp mỗi tuần sang Mỹ.
Theo bà Thư, tại Mỹ, đối thủ trực tiếp của cua gạch Cà Mau là cua nâu Na Uy. Loại này có gạch nhiều hơn và giá cũng rẻ hơn. Trên sàn online Sayweee, một con cua nâu Na Uy hấp trọng lượng 500 - 600 gram giá gốc chưa đầy 12 USD, và chỉ còn 8,8 USD sau khuyến mại. Tuy nhiên, bà Thư cho rằng cua gạch Cà Mau có vị thế riêng.
"Gạch của cua nâu Na Uy nhỉnh hơn nhưng thịt nhạt và hơi mặn trong khi chất thịt cua Cà Mau ngọt và thơm hơn", bà phân tích và cho biết trong tháng 4/2024 sẽ thu hẹp khoảng cách giá bằng việc chuyển sang vận chuyển đường biển. "Tháng này, tôi sẽ xuất nguyên container đầu tiên gồm cua hấp và các mặt hàng khác như bánh canh cua, xôi cua, nước sốt...”
Cuối năm ngoái, sau 2 năm nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý, công ty bà Thư cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu chính ngạch cua Cà Mau chế biến sẵn sang Mỹ. Trong lô hàng đợt đầu tiên, Vua Cua bán tại 200 điểm, chợ và siêu thị phục vụ cộng đồng người Việt và châu Á tại Mỹ. Được biết, lô hàng đầu tiên này nằm trong đơn hàng được đối tác tại Mỹ - CTWS Group - đặt với số lượng 21.000 con cua Cà Mau, tương đương 11 tấn. Dòng sản phẩm này tiêu thụ đạt nhưng không bùng nổ như công ty kỳ vọng, một phần do thị hiếu.
"Lần này, chúng tôi tập trung vào cua gạch hấp giúp khách hàng chủ động chế biến theo đúng khẩu vị, tiếp cận được số đông hơn", bà Thư nói. Ngoài cua, ốc hương hấp sẵn đông lạnh được tiêu thụ tốt, giá 25 USD mỗi pound (khoảng 450 gram) loại 60 con mỗi kg. "Không chỉ bán vào chợ, ốc hương còn phân phối được cho một vài nhà hàng tại Mỹ".
Theo bà Thư, Mỹ là một thị trường khó tính. Để xuất được hàng theo đường chính ngạch, các nguyên liệu chế biến như nước sốt phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm nghiệm vi sinh rất kỹ. Doanh nghiệp này hiện hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm chất lượng, giúp cho giá trị của hải sản cua Cà Mau và các loại gia vị Việt được nâng lên một mức giá khác. "Vua Cua kỳ vọng là thương hiệu đầu tiên đưa món cua Cà Mau kết hợp nước sốt xuất khẩu sang quốc gia khác đạt đúng giá trị từ nguyên liệu, giá thành đến thương hiệu", CEO Vua Cua nhấn mạnh.
Gần đây, bánh mì chả cá đông lạnh cũng trở thành món bán chạy ở Mỹ, có tháng tiêu thụ 50.000 chiếc. Theo bà Chinh Nguyễn, người sáng lập CWTS Group, các món ăn đường phố của Việt Nam được người Mỹ đón nhận nhiệt tình. Trong đó, bánh mì chả cá bán chạy nhất với sản lượng bán ra 20.000 - 30.000 hộp mỗi loại. Đặc biệt, có những tháng công ty bán ra thị trường tới 50.000 chiếc bánh mì chả cá. "Đây là doanh số bất ngờ trong năm đầu thử nghiệm", bà Chinh Nguyễn nói.
Theo đánh giá của bà, sản phẩm được chuộng vì đáp ứng nhịp sống bận rộn muốn ăn nhanh, hợp khẩu vị, giá khá mềm. Nhiều gia đình mua cả thùng, mỗi thùng gồm 25 cặp bánh mì que. Bên trong bánh mì có một thanh chả cá dài, sốt tôm xay, ăn kèm dưa chua. Trên trang thương mại điện tử Mỹ chuyên bán thực phẩm châu Á SayWeee, bánh mì chả cá có giá 5,99 USD một cặp.
Dù là sản phẩm theo phong cách đường phố nhưng khi xuất sang Mỹ phải được sản xuất bởi các nhà máy có đủ các chứng chỉ FDA, USDA. Trong đó, mọi quy trình sản xuất đều được kiểm tra rất nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khâu bảo quản và phân phối đến tay người dùng cuối. Đặc biệt, sản phẩm phải được USDA chấp thuận cho nhập khẩu chính ngạch. Theo kế hoạch, CWTS Group sẽ mở rộng danh mục với các món cá kho và các món hải sản mặn khác xuất sang Mỹ.
Trước đó, giữa năm 2023, lô hàng 10 tấn cá nục rim của HTX Chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (TP.Tam Kỳ) cũng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ đã trở thành điểm sáng về xuất khẩu thủy sản chế biến sâu ở Quảng Nam. Trước khi xuất ngoại sản phẩm, chủ cơ sở này đã đầu tư một khu nhà xưởng sơ chế ban đầu ngay tại xã biển Tam Quang (Núi Thành). Sau đó, vận chuyển về HTX tại Tam Kỳ để rim, đóng gói hoàn chỉnh. Các công đoạn, quy trình sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm Hoa Kỳ.
Theo bà Huỳnh Thị Thu Thủy, Founder & CEO HTX chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội, nguồn nguyên liệu hải sản tại Việt Nam vốn dồi dào nhưng điểm cốt yếu là phải kiên trì chứng minh pháp lý cá nục đánh bắt hợp pháp và đảm bảo chất lượng, sự ổn định của nguồn hàng để xuất khẩu. “Cái khó là con cá nục thường đánh bắt theo mùa chứ không phải lúc nào cũng có. Nhưng mà thị trường xuất khẩu lại cần mình phải đáp ứng theo đơn hàng ở mọi thời điểm trong năm”, bà Thủy nói.
Năm ngoái, tại Vietfish 2023, mảng chế biến sâu với hàng trăm loại thực phẩm ăn liền hoặc chỉ cần làm chín ăn ngay của các doanh nghiệp thủy sản trong nước đã “chiếm sóng”. Các sản phẩm chế biến hết sức phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu khiến người tiêu dùng bất ngờ về sức sáng tạo của các doanh nghiệp. Khách đến các gian hàng được mời thưởng thức sản phẩm của doanh nghiệp thay vì bánh kẹo hay trái cây như trước.
Bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc Công ty TNHH Tài Thịnh Phát (tỉnh Cà Mau), cho biết các sản phẩm của công ty như chà bông tôm, chả tôm, tôm khô được khách hàng đón nhận nồng nhiệt. Ngoài khách mua lẻ, còn có doanh nghiệp còn tìm được nhà cung cấp cho những đơn hàng xuất khẩu.
Theo bà Trang, người tiêu dùng ngày nay rất bận rộn nên cần những sản phẩm ăn liền. Tuy nhiên, yêu cầu sản phẩm có nguyên liệu tốt và chế biến thành những món ngon hợp khẩu vị. Những sản phẩm chế biến sâu cũng có biên lợi nhuận tốt hơn so với bán thô. “Lợi thế của Việt Nam là tay nghề của người lao động cao, chịu khó, tuân thủ các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm của thế giới," bà Trang nhận định.