Những người mua sắm xa xỉ tại Mỹ đang bị lạm phát siết chặt
Sau hai năm chi tiêu mạnh tay cho các kỳ nghỉ và hàng xa xỉ do nhu cầu bị dồn nén trong thời gian đại dịch, người Mỹ đang trên đà từ bỏ “mua sắm trả thù”, một biện pháp hạ nhiệt có thể giúp làm chậm lạm phát...
Quốc gia này đã chứng kiến làn sóng "mua sắm trả thù" mạnh mẽ trong vòng 2 năm sau đại dịch. Khi nhu cầu tăng, thì tất cả các dịch vụ khác cũng tăng lên theo, bao gồm giá vé máy bay cũng như khách sạn và các dịch vụ khác đi kèm. Nhưng nhiều loại sản phẩm, dịch vụ trong số đó hiện đang hạ nhiệt. Theo một báo cáo mới nhất, giá phòng khách sạn gần đây đã tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và giá vé máy bay đã giảm trong tháng 5.
Nếu xu hướng đó tiếp tục vào mùa hè này, nó có thể góp phần làm cho lạm phát tiếp tục chậm lại, đó là điều mà Fed đã theo dõi và chờ đợi. Omair Sharif, người sáng lập công ty Inflation Insights, cho biết trong báo cáo rằng ông dự đoán giá vé máy bay và chi phí khách sạn sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong tháng 6 và tháng 7 năm nay. Ông cũng không mong đợi các khách sạn và hãng hàng không nội địa sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến vào mùa hè này như họ đã trải qua vào năm ngoái.
Theo Financial Times, người tiêu dùng không chỉ quay trở lại với lối sống bình thường hơn mà còn có thể ngày càng thận trọng hơn khi phải đối mặt với chi phí cao. Bên cạnh đó, thực chất “mua sắm trả thù” thật ra chỉ có thể cải thiện sự hài lòng của người tiêu dùng trong thời gian ngắn, nhưng lại có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính cá nhân. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng trước khi mạnh tay chi tiêu, đặc biệt là mua đồ xa xỉ, điều quan trọng trước tiên là suy nghĩ về việc trả hết mọi khoản nợ tồn đọng và thành lập một quỹ tiết kiệm khẩn cấp phòng rủi ro.
Từ hồi đầu năm, người dùng mạng xã hội ở Mỹ, phần lớn là Gen Z, thậm chí đã khởi xướng trào lưu hạn chế chi tiêu nhiều nhất có thể với tên gọi "no spend challenge" (Thử thách không tiêu tiền). Trên Tiktok, từ khóa "nospendchallenge" nhận gần 100 triệu lượt xem với hàng chục nghìn video tham gia thử thách. Với mỗi video cập nhật một ngày thành công, người tham gia đều nhận được nhiều bình luận khen ngợi và cổ vũ. Từ đó, trào lưu này thúc đẩy mọi người thay đổi lối sống một cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu tài chính riêng mình, cho dù đó là trả nợ hay tiết kiệm.
Xu hướng giảm chi tiêu cho hàng xa xỉ không phải là mới, nhưng nó đang tiếp tục tăng tốc tại Mỹ một vài tuần gần đây, theo WSJ. Dữ liệu cho thấy mức chi tiêu xa xỉ của Mỹ đã giảm trong ít nhất 5 tháng, đặc biệt là đối với những người mua sắm trẻ tuổi đang bị lạm phát siết chặt. Theo Thomas Chauvet, nhà phân tích hàng xa xỉ của Citi, người có dữ liệu theo dõi chi tiêu của người Mỹ cả trong và ngoài nước, trong tháng 4, người Mỹ đã chi tiêu ít hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai tuần trước, thương hiệu Chanel đã trở thành thương hiệu mới nhất cho biết họ đã nhận thấy sự thay đổi trong các cửa hàng ở Mỹ. Các thương hiệu đắt tiền nổi tiếng là bán cho giới siêu giàu, nhưng họ cũng phụ thuộc rất nhiều vào những người mua sắm tầm trung. Theo Luca Solca, nhà phân tích hàng xa xỉ tại Bernstein, doanh số bán hàng xa xỉ được thúc đẩy bởi "hàng triệu người mua những thứ nhỏ nhặt và một số ít người chi tiêu số tiền khổng lồ".
Theo một báo cáo từ Boston Consulting Group, 5% những người mua sắm giàu có nhất chiếm khoảng 40% doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu. Phần còn lại đến từ những người tiêu dùng giàu có, những người chi tới 2.000 euro mỗi năm cho hàng xa xỉ, tương đương 2.147 USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại. Phân khúc cao cấp nhất của thị trường đang phát triển nhanh hơn nhiều đến năm 2025, những người mua sắm giàu có nhất sẽ chiếm 60% doanh số bán hàng xa xỉ, dựa trên dự báo của BCG.
Nhưng ngành công nghiệp vẫn cần những người chi tiêu đầy tham vọng cho một phần lớn hoạt động kinh doanh. Nếu những người mua sắm này đang thắt lưng buộc bụng, cổ phiếu xa xỉ có thể không phòng thủ như các nhà đầu tư hy vọng. Và khi các xu hướng ở châu Âu có xu hướng chậm hơn thị trường Mỹ vài tháng, thì thị trường đó cũng có thể đang suy thoái. Các công ty như Burberry có khách hàng trẻ hơn và nhạy cảm hơn về giá sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi sự suy giảm so với các đối thủ cạnh tranh cao cấp hơn.
LVMH vẫn đang hoạt động rất tốt, nhưng công ty có trụ sở tại Paris đã cảnh báo về kết quả kinh doanh quý đầu tiên của mình rằng thương hiệu rượu Hennessy của họ đang chịu áp lực ở Mỹ vì lạm phát. Ngoài ra, một phần ba tổng doanh thu của họ được cho là đến từ các mặt hàng có giá không quá cao như son môi, phấn má hồng và nước hoa.
Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu mâu thuẫn đến từ các công ty tiêu dùng lớn. Target đã cảnh báo vào tháng trước về doanh số bán hàng chậm chạp và cổ phiếu của Dollar General lao dốc vào ngày 1/6 sau khi nhà bán lẻ giảm giá cắt giảm triển vọng cả năm. Ở chiều ngược lại, hãng hàng không American Airlines đã nâng dự kiến doanh thu vào ngày 31/5, với lý do nhu cầu mạnh hơn và nhiên liệu rẻ hơn. Bên cạnh đó, thương hiệu may mặc xa xỉ Lululemon đứng đầu ước tính về thu nhập và doanh thu trong quý tài chính đầu tiên.
Sự khác biệt đó có thể là sự tiếp nối của nền kinh tế hậu đại dịch, nơi chứng kiến người tiêu dùng vung tiền vào các lĩnh vực như du lịch trong khi khiến một số nhà bán lẻ mất cảnh giác với kế hoạch tồn kho của họ. Trong một cuộc họp báo với các nhà phân tích, Giám đốc Tài chính LVMH, Jean-Jacques Guiony nhận định: “Hàng xa xỉ không phải là đại diện cho nền kinh tế nói chung. Chúng tôi bán hàng cho những người giàu có và họ có thói quen mua sắm riêng, không nhất thiết phải hoàn toàn đồng điệu với kinh tế học”.