Những nhà hàng Việt Nam đầu tiên được trao sao Michelin
Tối hôm nay, 6/6, danh sách nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn tại Hà Nội và TP.HCM chính thức được công bố. Đã có 4 nhà hàng Việt Nam đầu tiên được trao "một sao" Michelin...
Michelin Guide xếp hạng nhà hàng thông qua hệ thống giải thưởng, trong đó Sao Michelin là giải thưởng nổi tiếng được trao cho những nhà hàng mang đến trải nghiệm ẩm thực xuất sắc nhất.
Đây là lần đầu tiên các nhà hàng tại Việt Nam được trao sao Michelin hoặc xuất hiện trong cẩm nang. Trước đó, từ ngày 1/12/2022, các thẩm định viên đã đến Hà Nội và TP.HCM để tìm ra các nhà hàng, quán ăn ngon nhất. Họ là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, các đầu bếp tay nghề cao, đến từ 15 quốc gia.
4 NHÀ HÀNG ĐƯỢC GẮN SAO MICHELIN DANH GIÁ
Michelin Guide hiện được coi là cẩm nang ẩm thực danh giá nhất thế giới, xếp hạng nhà hàng thông qua hệ thống "sao". Một sao dành cho nhà hàng "có chất lượng món ăn ngon, xứng đáng để dừng chân thưởng thức". Hai sao là "nhà hàng có chất lượng món ăn xuất sắc, xứng đáng để khách quay lại". Ba sao (cao nhất) là nơi "chất lượng món ăn tuyệt hảo, xứng đáng để lên kế hoạch đến tận nơi thưởng thức".
Nhà hàng sao Michelin được các thẩm định viên ẩn danh đánh giá độc lập, theo quy chuẩn chung toàn thế giới, dựa trên 5 tiêu chí: chất lượng món ăn, tài nghệ nấu ăn, sự hài hòa hương vị, cá tính của đầu bếp thể hiện qua món ăn, sự nhất quán của món ăn theo thời gian và trên toàn thực đơn.
Theo đó, trong lễ công bố diễn ra tối nay, có 70 nhà hàng/quán ăn Michelin Selected (nhà hàng do Michelin Guide đề xuất) gồm: 32 nhà hàng ở Hà Nội và 38 nhà hàng ở TP.HCM. Trong đó có những cái tên đã khá quen thuộc như: A Bản Mountain Dew, A by T.U.N.G, Sente, Quán Ăn Ngon, Highway4, Khói, Tanh Tách... (Hà Nội) và Bếp nhà xứ Quảng, Phở Việt Nam, Stoker, Vietnam House, Herve Dining Room... (TP.HCM).
Tiếp theo là 29 nhà hàng Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá phải chăng). Trong đó có rất nhiều quán phở, quán bún chả, quán cơm tấm và một số nhà hàng bình dân như: 1946 Cửa Bắc, Bếp Mẹ Ỉn (Lê Thánh Tôn), Chả Cá Thăng Long, Cục Gạch Quán, Dim Tu Tac (Đông Du), Don Duck Old Quarter, Hồng Phát (quận 3), Hum Garden, Xới Cơm...
Và giải thưởng quan trọng nhất, Star award - Nhà hàng đạt được sao Michelin đã trao 1 sao Michelin “chất lượng món ăn cao, xứng đáng để thực khách dừng chân thưởng thức” đã được trao cho 4 nhà hàng: Anăn Saigon, Nhà hàng Gia, Nhà hàng Hibana by Koki của Khách sạn Capella Hanoi, và nhà hàng Tầm Vị.
Cuối cùng, 3 giải Michelin Guide Special Awards đã được trao gồm: Sommelier Award (Giải thưởng dành cho chuyên gia rượu): Ông Yu Yamamoto - Nhà hàng Lửa; Service Award (Giải thưởng dành cho chất lượng phục vụ): Đầu bếp Nguyễn Thị Nữ - Nhà hàng Vietnam House; Young Chef Award (Giải đầu bếp trẻ tài năng): Đầu bếp Sam Tran - Nhà hàng Gia.
THÊM ĐỘNG LỰC CHO DU LỊCH VIỆT NAM
Nếu trong lĩnh vực âm nhạc có giải Grammy, điện ảnh có giải Oscar thì trong ngành ẩm thực có danh hiệu sao Michelin. Hiện cẩm nang Michelin có tên nhà hàng ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cuốn cẩm nang này được Công ty lốp xe Michelin, Pháp, ra mắt lần đầu vào năm 1900. Trong suốt hơn một thế kỷ tồn tại, Michelin Guide dừng chân ở vùng đất nào đồng nghĩa với tiếng tăm về ẩm thực của vùng đất đó được khẳng định, từ đó còn mở ra vô vàn cơ hội thúc đẩy du lịch và mang lại nguồn thu lớn.
Francis Attrazic, chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực bậc thầy Pháp, đã khẳng định trên tờ Le Figaro: "Doanh thu của các nhà hàng sau khi đạt sao Michelin tăng trung bình 30%. Những ngôi sao mang đến một hơi thở mới cho các nhà hàng". Không ít những con phố nhỏ ở các quốc gia châu Á, nhờ có Michelin Guide đặt chân đến mà nổi tiếng khắp thế giới, trở thành điểm đến mà khách du lịch không thể bỏ lỡ.
Một ngôi sao sáng về du lịch của châu Á phải nhắc đến Thái Lan, xứ sở Chùa Vàng này có tới 35 nhà hàng được gắn sao Michelin, nhưng duy chỉ có 1 quán ăn đường phố gắn 1 sao từ năm 2018. Đó là nhà hàng Jay Fai nằm trên đường Mahachai, Samran Rat, Bangkok. Tuy chỉ là một quán ăn nhỏ, kê chưa tới 10 chiếc bàn nhưng lúc nào, người ta cũng xếp hàng dài ở dọc con đường, chờ tới lượt được vào thưởng thức.
Với Singapore, câu chuyện cũng tương tự, Michelin Guide đã giúp những khu bán hàng lề đường ở đây thêm đổi khác. Khách du lịch, ai mà không biết Hawker Chan - hàng cơm gà trong khu Chinatown, quán ăn đường phố đầu tiên trên thế giới được gắn sao vào năm 2016, cũng là quán đường phố có giá rẻ nhất được gắn sao Michelin: 2,25 USD.
Mãi cho đến cuối năm 2022, Michelin Guide mới đặt chân tới Việt Nam, thế nhưng, trước đó, ẩm thực đường phố nước ta đã nhiều lần khiến các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực khen ngợi. Các món ăn của Việt Nam liên tục được nhắc đến trong các bảng xếp hạng lớn của thế giới, như Top những món ăn tráng miệng ngon nhất; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, hay vào tháng đầu năm 2023, Việt Nam được Travel + Leisure xướng tên là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á. Riêng TP.HCM đã được CNN Traveler ví như “kinh đô ẩm thực Việt Nam” và Hà Nội được The Telegraph xếp nằm trong top thành phố có món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.
Việc công nhận của Michelin sẽ giúp Việt Nam định vị một cách hiệu quả nền ẩm thực trên bản đồ thế giới, góp phần nâng cao vị thế ngành du lịch Việt. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, với danh sách Michelin, đặc biệt là nhóm những nhà hàng có Sao Michelin, khách du lịch sẽ có thêm những điểm dừng chân cao cấp khi đến với Việt Nam, trước hết là hai thành phố sôi động nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Theo ông Gwendal Poullennec, Giám đốc Quốc tế của Michelin Guide, các chuyên gia Michelin đã quan sát nền ẩm thực Việt Nam trong một thời gian dài. Trong đó, TP.HCM được biết đến bởi sự sôi động với nhịp độ phát triển nhanh cùng nền ẩm thực đặc sắc, luôn tràn đầy năng lượng với nhiều cơ hội được mở ra. Còn Hà Nội lại mang đến nguồn năng lượng khác, đó là sự thư thái và trầm tĩnh hơn với những cửa hàng và nhà hàng nhỏ mà du khách có thể tìm thấy được ở bất kỳ đâu, đặc biệt trong khu phố cổ.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới, 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, là chất xúc tác cho kinh tế địa phương. Còn theo Hội Lữ hành ẩm thực thế giới, có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch.