14:19 01/04/2019

Những thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1

Duyên Duyên

Ước tính, cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2019 của Việt Nam thặng dư 536 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 2,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh hoạ
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh hoạ

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu hàng hóa quý 1/2019 tuy vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tăng thấp với 4,7%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,7%.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2019 ước tính thặng dư 536 triệu USD nhưng thấp hơn nhiều so với mức 2,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể hơn, về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong quý 1/2019 ước tính đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Những thị trường hàng hóa xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1/2019 vẫn là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN…

Theo đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng trưởng cao là điện thoại và linh kiện tăng 76,9%; hàng dệt may tăng 12,3%; giày dép tăng 8,9%. 

Đứng thứ hai về xuất khẩu là thị trường EU đạt 10,2 tỷ USD, tăng 2,5%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,5%; hàng dệt may tăng 9,8%; giày dép tăng 9,7%. 

Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,6 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, những mặt hàng có mức sụt giảm mạnh là điện tử, máy tính và linh kiện giảm 2,1%; rau quả giảm 10,8%; điện thoại và linh kiện giảm 69,1%. 

Thị trường ASEAN đứng thứ tư với kim ngạch đạt 6,3 tỷ USD, tăng 6%, trong đó hàng dệt may tăng 40,5%; sắt thép tăng 8,3%. 

Nhật Bản và Hàn Quốc xếp thứ năm và thứ sáu, với kim ngạch cùng đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,4% và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý 1/2019 ước tính đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. 

Những thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong quý 1 năm nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản…

Cụ thể, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Những ngành hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 49%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 18,4%; vải tăng 7,1%. 

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 11,8 tỷ USD, tăng 1,1%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 11,4%; điện thoại và linh kiện tăng 6,2%; sắt thép tăng 5,9%. 

Thị trường ASEAN xếp thứ ba với kim ngạch đạt 8,2 tỷ USD, tăng 10,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 750,9%; sắt thép tăng 218,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 18%. 

Nhập khẩu từ Nhật Bản trong quý 1 cũng đạt 4,7 tỷ USD, tăng 5,6%, trong đó vải tăng 29,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 13%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 6,5%. 

Thị trường EU đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18,7%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 840,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 32,1%.

Đứng thứ sáu là thị trường Mỹ đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là hức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 38,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 10,7%.