Những thương vụ tỷ USD và cuộc đua khốc liệt của công ty chứng khoán Việt
Sự bùng nổ của những thương vụ bom tấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong giới tài chính, kinh tế Việt trong những năm gần đây khiến ngành IB (ngân hàng đầu tư) của các công ty chứng khoán "hái ra tiền"
Tuy nhiên, nghiệp vụ IB đòi hỏi trình độ cao nên không phải công ty chứng khoán nào cũng có thể tham gia được đường đua khốc liệt này.
Đường đua khốc liệt tiến vào "bữa tiệc M&A" tỷ USD
IB là cụm từ chỉ chung cho các nghiệp vụ như tư vấn doanh nghiệp, tư vấn IPO hay M&A cho các doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu, bảo lãnh phát hành,… Quy mô ngành được dự báo lên tới hàng tỷ USD.
Theo Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam, trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 175% so với năm 2016.
Năm 2018, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, cho thấy tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 35,5 tỷ USD. Trong 2 tháng năm 2019, 8,5 tỷ USD vốn FDI bao gồm cả góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp tại Việt Nam.
Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua đảo quốc sư tử Singapore để trở thành thị trường IPO lớn nhất khu vực. Việt Nam có 5 vụ IPO huy động tổng cộng 2,6 tỷ USD, dẫn đầu khu vực. Trong đó, lớn nhất là vụ phát hành mang về 1,35 tỷ USD của công ty bất động sản Vinhomes. Đây cũng là vụ IPO lớn nhất Đông Nam Á năm 2018.
Kỷ lục sinh ra để được phá vỡ, thị trường vốn Việt Nam đang đặc biệt sôi động với những thương vụ tầm cỡ như ThaiBev (Thái Lan) thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco với giá 4,9 tỷ USD, GIC Private Limited chi 1,3 tỷ USD mua cổ phần Vinhomes, Warburg Pincus đầu tư 361 triệu Techcombank, JC&C chi 319 triệu USD mua cổ phần Vinamilk, GIC đầu tư 100 triệu USD vào Techcombank, Sojitz mua Giấy Sài Gòn…
"Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước, nên nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á trong những năm tới. Từ nay đến năm 2021, Việt Nam sẽ vững ở vị trí thị trường IPO số 1 khu vực, theo sau là Singapore và Thái Lan", Báo cáo của Baker McKenzie và Oxford Economics cho hay.
Nguồn vốn lớn từ Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thổi bùng lên "làn sóng M&A, IPO thứ hai" trong bối cảnh mới, bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng.
Các công ty chứng khoán lớn đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, chiếm lĩnh thị trường, đứng sau các thương vụ nổi bật. Khối IB đang là ngành "hot" và đem về cho doanh nghiệp doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm.
"Miếng bánh" IB càng hấp dẫn thì cạnh tranh càng khốc liệt. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, yêu cầu về IB sẽ khắt khe hơn, ngoài việc đòi hỏi nghiệp vụ cao, kinh nghiệm đàm phán, mạng lưới quan hệ còn cần đến các nghiệp vụ ngân hàng như tỷ giá, ngoại hối, đặc biệt quy mô vốn cũng phải lớn.
Với lợi thế có ngân hàng mẹ hỗ trợ, VCBS là công ty chứng khoán có những điều kiện tốt về IB với bệ đỡ của "người khổng lồ" phía sau là Vietcombank nên có thể cung cấp sản phẩm trọn gói từ ngân hàng đầu tư đến ngân hàng thương mại, thiết kế các gói sản phẩm IB tiếp cận được với doanh nghiệp uy tín trong nước và các tổ chức, định chế tài chính quốc tế lớn.
Trên thực tế, thời gian qua, VCBS đã giành được nhiều thương vụ lớn với tiêu chuẩn khắt khe, khẳng định vị thế "ông lớn" trong ngành chứng khoán.
Thương vụ tiêu biểu mà VCBS thực hiện vừa qua là đại lý đấu giá duy nhất được nhà đầu tư lựa chọn trong thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco với giá trị 110.000 tỷ đồng - thương vụ bán vốn lớn nhất Đông Nam Á trong 3 năm trở lại đây; Thương vụ bán vốn nhà nước tại Vinaconex với tổng giá trị 7.366 tỷ đồng; Tư vấn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A ở Vinatex (10%), Thép Việt Ý (45%), Tập đoàn PAN (8,97%)… và tư vấn và bảo lãnh phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Đón "làn sóng M&A, IPO thứ hai"
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định M&A, IPO tại Việt Nam sẽ ngày càng sôi động, nhất là trong 3 lĩnh vực: thứ nhất là các ngân hàng mà Nhà nước thoái vốn sẽ thu hút dòng tiền lớn từ các tập đoàn tài chính nước ngoài; thứ hai là cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có quỹ đất tốt; thứ ba là thoái vốn khỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm tiêu dùng.
Rất nhiều đối tác sừng sỏ trên thị trường với quy mô hàng chục tỷ USD sẵn sàng rót vốn vào Việt Nam nhưng điều kiện là hai bên phải tìm được tiếng nói chung. "Làn sóng M&A, IPO thứ hai" đang bùng nổ dữ dội, đây chính là miền đất hứa cho các định chế tài chính trung gian, công ty chứng khoán Việt.
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc VCBS nhận định IB luôn là mảng hoạt động cốt lõi và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển của công ty.
"Tâm điểm trong năm 2019 sẽ là những thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ, cơ chế chính sách phát triển thị trường của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thu hút dòng vốn ngoại chảy mạnh vào Việt Nam thông qua các đợt IPO, thoái vốn nhà nước, thậm chí là đầu tư trực tiếp vào chứng khoán của các doanh nghiệp lớn và uy tín tại Việt Nam". Điều này sẽ tạo cơ hội cho các đơn vị tư vấn uy tín, tiềm lực tài chính mạnh mẽ.
"Năm 2019, với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, mạng lưới khách hàng rộng lớn và nền tảng tài chính vững mạnh từ Ngân hàng mẹ Vietcombank, VCBS sẽ tiếp tục hướng tới việc thực hiện những thương vụ lớn với tiêu chuẩn cao và phù hợp thông lệ quốc tế", ông Hùng chia sẻ.
Một lãnh đạo công ty chứng khoán lớn khác nhận định IB không phải là thương vụ mà bản chất là một mô hình kinh doanh do đó sân chơi cạnh tranh rất lớn. Muốn tham gia làm IB thì công ty chứng khoán phải đảm bảo nguồn vốn lớn, đội ngũ chuyên gia am hiểu Luật. Thứ hai đó là khả năng phân phối, điều này lại phụ thuộc vào thị phần của khối khách hàng tổ chức của từng đơn vị.
Thực tế cho thấy nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Nhật Bản vào Việt Nam là rất lớn. Để giao dịch thành công, yếu tố quan trọng hàng đầu cho một thương vụ là xây dựng niềm tin giữa bên bán và bên mua, tìm hiểu khẩu vị của các bên để có giải pháp cho từng thương vụ, không có công thức chung nào áp dụng cho tất cả.