15:18 27/05/2010

Nợ quốc gia: “Mình cũng đề phòng rồi”

Nguyên Hà

"Năm nay, Chính phủ sẽ tính toán để xây dựng một chiến lược nợ mới", Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời báo chí về dư nợ quốc gia

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trên nghị trường Quốc hội - Ảnh: LQP.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trên nghị trường Quốc hội - Ảnh: LQP.
"Năm nay, Chính phủ sẽ tính toán để xây dựng một chiến lược nợ mới", Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời báo chí về dư nợ quốc gia, trong giờ giải lao phiên thảo luận kinh tế, xã hội và ngân sách của Quốc hội sáng 27/5.

Thưa Phó thủ tướng, với nhiều đại biểu dường như nợ quốc gia trở thành mối lo ngại rất lớn. Với Chính phủ thì sao?

Ngày nay, nợ quốc gia không chỉ là vấn đề của chính quốc gia ấy, do nó đã được thị trường hóa trên thị trường tài chính quốc tế rồi. Tất cả các trái phiếu của người ta phát hành ra đều do các tổ chức tài chính trung gian mua vào. Cho nên nó sẽ ảnh hưởng không chỉ tới kinh tế của các nước đó, mà còn ảnh hưởng tới cả thị trường tài chính tiền tệ, sản xuất xuất kinh doanh toàn cầu. Ta cũng phải đề phòng.

Chủ trương của ta thì từ lâu đã đưa ra hệ số an toàn cho việc vay nợ. Hệ số an toàn này phù hợp với điều kiện “sức khỏe” của từng nước. Có nước người ta có thể trên 100% GDP, xấp xỉ 100%, dưới 100%. Còn nước ta khoảng 50% GDP.

Khả năng trả nợ của Việt Nam như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Mình cũng đề phòng rồi, nợ quốc gia của mình là nợ ODA và dài hạn là chính. Vay ODA thời gian vay 30-40 năm, thời gian trả nợ rất lâu, khi mình phát triển rồi thì có khả năng trả nợ. Thứ hai, cơ cấu mình nợ quốc gia vốn nước ngoài, doanh nghiệp, phải đưa vào những doanh nghiệp đầu tư có khả năng trả được nợ. Tuy là doanh nghiệp nhưng quốc gia bảo đảm vì vậy cũng có trách nhiệm của quốc gia.

Sau thời điểm xử lý nợ của thời kỳ bao cấp là mình trở lại một nước sòng phẳng nợ nần. Vay mới những năm gần đây hầu hết đều là ODA. Và mức giữ khoảng dưới 50%.

Giai đoạn tới, Việt Nam chuyển từ một nước kém phát triển sang một nước bắt đầu phát triển ở mức trung bình thấp, mình có thể bắt đầu vay một số khoản nợ dành cho hạ tầng, cho giáo dục đào tạo, làm trường, đầu tư vào các vùng nghèo. Những khoản đầu tư này chưa thể đi vào ICOR ngay được, như làm điện tận miền núi hay làm cơ sở hạ tầng cho các đồng bào vùng sâu vùng xa, đầu tư giảm nghèo, cải tạo đồng ruộng…

Năm nay, Chính phủ sẽ tính toán để xây dựng một chiến lược nợ mới. Xem rằng trong giai đoạn phát triển  trung bình thì mức an toàn là bao nhiêu hợp lý. Đây đang là câu hỏi, còn phụ thuộc vào việc đất nước mình trong 10 năm tới, 20 năm tới mình phát triển với tốc độ nào, có bền vững không. Lo lắng nợ quốc gia không chỉ là vấn đề của cả quốc gia mà của cả toàn cầu. Nước ta không thể nào không quan tâm được.

Vậy tỷ lệ cơ cấu dư nợ sẽ thay đổi như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Cái đó đang tính. Trong giai đoạn nền kinh tế mình thấp thì mình giữ ở mức 50%. Nhưng nếu thời gian tới nếu mình phát triển, tức là làm ra nhiều của cải, khả năng trả nợ lớn hơn thì mình có thể vay cao hơn. Còn cao hơn bao nhiêu thì phải tính.

Cũng cần cân nhắc về cơ cấu. Nợ quốc gia bao gồm cả nợ chính phủ vay nước ngoài và doanh nghiệp vay nước ngoài, cần cơ cấu xem chính phủ bao nhiêu, doanh nghiệp bao nhiêu.

Thời hạn vay dài hay ngắn cũng cần tính toán. Tất cả đó đều là kỹ thuật chi tiết mà nếu mình không lên một bài toán chiến lược tổng thể không có tầm nhìn dài thì đến một lúc nào đó, đến ngày trả nợ mà mình không trả nợ được thì rất bất cập. Chẳng hạn Hy Lạp, hay trước đây như Argentina.

Argentina cách đây 5-7 năm cũng lâm vào tình cảnh khủng hoảng nợ quốc gia. Nguyên nhân chính của họ là bảo lãnh cho doanh nghiệp vay quá nhiều sau đó chuyển từ nợ doanh nghiệp sang nợ chính phủ. Và chính phủ trở thành con nợ vô cùng to lớn.

Thưa Phó thủ tướng, lo lắng về nợ càng tăng lên khi đang có có nhiều dự án lớn như đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng thủ đô… đều cần tới hàng chục tỷ đến gần trăm tỷ USD. Việc này được Chính phủ tính toán thế nào?

Nó nằm trong kế hoạch tổng thể. Chúng ta vay nợ một là ODA, có khoản tài trợ không hoàn lại, tài trợ kỹ thuật chẳng hạn, có khoản có lãi thấp. ODA thường là của các tổ chức tài chính quốc tế mà một số nước phát triển dành cho mình. Ví dụ như WB, IMF chẳng hạn, nó là quỹ của thế giới, chúng ta là cổ đông có cổ phần trong đó, thuộc loại đối tượng những nước được ưu tiên hơn, phải tranh thủ nguồn đó. Các khoản vay khác mình phải chuyển dần sang đầu tư.

Các khoản vay khác mình phải chuyển dần sang đầu tư. Lâu nay khi cổ phần hóa doanh nghiệp hay ngân hàng, chúng ta vẫn để nhà đầu tư nước ngoài vào mua cổ phần. Khi mua như vậy, họ sẽ mang vốn vào đầu tư, lời ăn lỗ chịu, chứ mình không phải đi vay. Nếu mà phải đi vay để đầu tư 100% thì không ổn. Cho nên cơ cấu của đầu tư trong tương lai phải thay đổi.