17:49 02/01/2019

Nông nghiệp, ôtô, công nghệ: 3 "nạn nhân" lớn nhất của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

An Huy

Thương mại nông sản bị gián đoạn gây thiệt hại đặc biệt lớn cho cả hai bên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) cùng các quan chức cấp cao hai nước trong cuộc gặp ở Argentina hôm 1/12 - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) cùng các quan chức cấp cao hai nước trong cuộc gặp ở Argentina hôm 1/12 - Ảnh: Reuters.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã gây thiệt hại nhiều tỷ USD cho cả hai bên trong năm 2018. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất rơi vào các ngành nông nghiệp, ôtô và công nghệ - hãng tin Reuters cho hay.

Thiệt hại này có thể sẽ thúc đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm đạt một thỏa thuận để xuống thang căng thẳng trước ngày 2/3 - hạn chót của thỏa thuận "đình chiến" thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo nhà kinh tế học nông nghiệp Wally Tyner thuộc Đại học Purdue, Mỹ và Trung Quốc mỗi nước đã thiệt hại khoảng 2,9 tỷ USD trong năm ngoái do thuế quan của Bắc Kinh áp lên các mặt hàng nông sản gồm đậu tương, lúa mỳ và cao lương từ Mỹ.

Thương mại nông sản bị gián đoạn gây thiệt hại đặc biệt lớn cho cả hai bên, bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, còn đậu tương lại là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. 

Trong năm 2017, giá trị nhập khẩu đậu tương Mỹ của Trung Quốc đạt khoảng 12 tỷ USD.

Vào tháng 7, Bắc Kinh áp thuế quan bổ sung 25% lên đậu tương Mỹ để trả đũa việc Washington tăng thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn đậu tương từ Brazil. 

Do nhu cầu tăng mạnh, giá đậu tương Brazil leo thang, khiến các nhà nhập khẩu đậu tương Trung Quốc phải mua với giá cao hơn.

"Đây sẽ là lý do để hai bên phải tìm ra được giải pháp cho chiến tranh thương mại", ông Tyner nhận định. "Cả Mỹ và Trung Quốc đều phải hứng chịu thiệt hại".

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2018 giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, còn khoảng 8,3 tỷ USD.

Để giúp nông dân Mỹ khắc phục hậu quả chiến tranh thương mại, Chính phủ nước này đã phải chi khoảng 11 tỷ USD dưới dạng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và mua vào nông sản.

Tháng 12 vừa qua, Trung Quốc đã nối lại việc mua đậu tương Mỹ, như một phần trong thỏa thuận "đình chiến" thương mại đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Argentina. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn giữ mức thuế bổ sung 25% đối với đậu tương Mỹ, khiến các công ty thuộc khu vực tư nhân của Trung Quốc vẫn không thể nhập đậu tương từ Mỹ.

"Với mức thuế như vậy, số đậu mà Trung Quốc nhập từ Mỹ mới đây không thể được giao dịch trong hệ thống thương mại", lãnh đạo một công ty thức ăn chăn nuôi Trung Quốc cho hay. "Những đợt mua đó hầu như không có hiệu ứng gì với thị trường cả".

Trung Quốc cũng "chịu trận" khi nhiều sản phẩm của nước này như pin điện thoại bị Mỹ áp thuế, bởi khách hàng bắt dầu tìm mua sản phẩm từ các quốc gia khác.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ (CTA) cho thấy thuế quan mà chính quyền ông Trump áp lên các sản phẩm từ Trung Quốc khiến ngành công nghệ Mỹ thiệt hại 1 tỷ USD mỗi tháng.

Ngoài ra, theo một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh Dallas, thuế quan cũng làm gia tăng chi phí, suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực bán lẻ, chế biến-chế tạo và xây dựng.

Ba hãng xe lớn nhất của Mỹ, gồm General Motors (GM), Ford và Fiat Chryser đều đã phàn nàn rằng thuế quan khiến lợi nhuận của mỗi hãng giảm bớt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2018. 

Nhiều chuyên gia dự báo Ford và Fiat Chryser có thể sẽ hứng chịu thêm khoản thiệt hại tương tự trong năm 2019.