18:31 03/12/2014

Obama sốt ruột với đề xuất chi 6 tỷ USD chống Ebola

Diệp Vũ

“Mỗi điểm nóng nếu không được kiểm soát đều có thể biến thành một đám cháy mới, nên chúng ta không thể lơ là”

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tới thăm Viện nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIH) ngày 2/12 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tới thăm Viện nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIH) ngày 2/12 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (2/12) thúc giục Quốc hội nước này phê chuẩn khoản chi 6,18 tỷ USD để chống dịch Ebola. Ông Obama nhắc nhở rằng, dù câu chuyện Ebola không còn “nóng” trên mặt báo như trước, cuộc chiến chống dịch vẫn còn một chặng đường dài.

“Mỗi điểm nóng nếu không được kiểm soát đều có thể biến thành một đám cháy mới, nên chúng ta không thể lơ là. Và chúng ta không thể chỉ chiến đấu chống lại trận dịch này. Chúng ta phải dập dịch”, người đứng đầu Nhà Trắng phát biểu.

Theo hãng tin Reuters, hôm qua, ông Obama đã tới thăm Viện Nghiên cứu y tế Quốc gia (NIH), nơi các nhà nghiên cứu công bố kết quả thử nghiệm ban đầu đầy hứa hẹn một loại vaccine chống Ebola hồi tuần trước.

Phần lớn số tiền 6,18 tỷ USD mà ông Obama đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn để chống dịch Ebola dự kiến được chi cho các hoạt động phản ứng nhanh. Tuy nhiên, trong đó cũng có 1,5 tỷ USD dành cho một quỹ dự phòng.

Giới quan sát cho rằng, các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ sẽ tìm cách cắt giảm khoản 1,5 tỷ USD này.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, các nhà khoa học ở NIH đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo vaccine chống Ebola từ năm 1999, từ rất lâu trước trận dịch lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra của căn bệnh này. Từ tháng 3 tới nay, dịch Ebola đã khiến hơn 17.000 người nhiễm bệnh, chủ yếu tập trung ở ba nước Tây Phi là Sierra Leone, Liberia và Guinea, trong đó hơn 6.000 người đã thiệt mạng.

Theo ông Obama, nước Mỹ cần tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu về Ebola và giúp các nước như Sierra Leone, Liberia và Guinea xây dựng hệ thống y tế tốt hơn để kiểm soát bệnh dịch trong tương lai.

“Đây là một cách đầu tư không ngoan, không chỉ là một dạng bảo hiểm. Chắc chắn là chúng ta còn gặp những vấn đề tương tự như thế này trong tương lai, nhất là trong một thế giới toàn cầu hóa mà mỗi người có thể di chuyển giữa các châu lục chỉ trong vòng 1 ngày”, ông Obama nói.

Hồi tháng 9, chính quyền Obama đã bị chỉ trích mạnh sau khi xảy ra một loạt sai lầm liên quan tới một người nhiễm Ebola từ Liberia nhập cảnh vào Mỹ và sau đó qua đời vì căn bệnh này. Hai y tá Mỹ đã nhiễm Ebola trong quá trình chăm sóc người này.

Kể từ đó, các quy trình theo dõi và điều trị bệnh nhân Ebola tại Mỹ đã được thắt chặt. Hiện đã có 35 bệnh viện ở nước này được trang bị để chữa trị cho người mắc Ebola, từ chỗ chỉ có 3 bệnh viện vào thời điểm trước khi dịch xảy ra.