09:59 15/08/2019

Ông Trump ra điều kiện về Hồng Kông để thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

An Huy

Ngoài ra, ông Trump cũng đề xuất gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về vấn đề Hồng Kông

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019 - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Donald Trump ngày 14/8 nói rằng Trung Quốc muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhưng để có thỏa thuận, Bắc Kinh cần phải đối xử "nhân đạo" với Hồng Kông trước đã.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu này của ông Trump đã công khai ràng buộc một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung với một giải pháp hòa bình cho phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.

"Dĩ nhiên là Trung Quốc muốn một thỏa thuận thương mại. Cứ để cho họ làm việc một cách nhân đạo với Hồng Kông trước đã!" ông Trump viết trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter.

Ngoài ra, ông Trump cũng đề xuất gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về vấn đề Hồng Kông.

"Tôi không nghi ngờ gì rằng Chủ tịch Tập muốn giải quyết nhanh chóng và nhân đạo vấn đề Hồng Kông. Ông ấy có thể làm việc đó. Một cuộc gặp riêng chăng?" ông Trump viết.

Trước đó cùng ngày, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nước này "quan ngại sâu sắc" về việc lực lượng cảnh sát vũ trang của Trung Quốc di chuyển ở khu vực biên giới giữa đại lục với Hồng Kông.

Tuyên bố này được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra sau khi một loạt nghị sỹ cấp cao trong Quốc hội Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ lên tiếng kêu gọi ông Trump đưa ra một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông.

Ông Trump, người đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại nhằm giải quyết mất cân đối xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc, đã bị Quốc hội Mỹ chỉ trích thời gian gần đây vì không thể hiện quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề Hồng Kông.

Phong trào biểu tình ở Hồng Kông nổ ra từ tháng 6, khi hàng trăm nghìn người xuống đường để phản đối dự luật lần đầu tiên cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Trước sức ép của người biểu tình, dự luật đã bị hoãn lại, nhưng chưa bị xóa bỏ hoàn toàn.

Không thỏa mãn với việc dự luật dẫn độ bị hoãn, phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn và leo thang mạnh những tuần gần đây bằng những cuộc đụng độ dữ dội với lực lượng cảnh sát. Ngoài yêu cầu xóa hoàn toàn dự luật dẫn độ, người biểu tình còn đưa ra thêm những yêu cầu như trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông - bà Carrie Lam - phải từ chức.

Mấy ngày qua, khi người biểu tình gây tê liệt sân bay Hồng Kông, giới chức Trung Quốc đại lục đã liên tục đưa ra cảnh báo cứng rắn.

Bắc Kinh nói rằng Hồng Kông đang ở trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi vùng lãnh thổ này được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Ngày 14/8, Bắc Kinh thậm chí so sánh người biểu tình gây bạo lực ở sân bay Hồng Kông với "những phần tử khủng bố".