Phân tích rõ lợi ích thực chất từ kết quả tăng trưởng
Cần phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân từ kết quả tăng trưởng cao của năm 2017
Cần phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân từ kết quả tăng trưởng cao của năm 2017, Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm khi thẩm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Như thường lệ, vào kỳ họp giữa năm, Chính phủ báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm trước.
Đánh giá đầy đủ bài học kinh nghiệm
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2017 cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn.
Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỷ USD (đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).
Theo Uỷ ban Kinh tế thì cần đánh giá cụ thể hơn một số vấn đề. Như, quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Theo báo cáo ngày 26/2/2018 của Bộ Tài chính, GDP thực tế năm 2017 đạt 5.008 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức kịch bản cho giai đoạn 2016-2020, trong đó đối với năm 2017 là 5.100 nghìn tỷ đồng, báo cáo thẩm tra dẫn nguồn.
Vấn đề cũng cần đánh giá cụ thể hơn là động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Số vốn trong các doanh nghiệp nhà nước được bán cho các nhà đầu tư còn thấp, do vậy không tạo ra nhiều thay đổi tích cực về quản trị doanh nghiệp, hoạch định chiến lược và tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 72% (riêng Tập đoàn Samsung tại Việt Nam xuất khẩu 53,3 tỷ USD, chiếm khoảng 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam); chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế trong nước. Năng suất lao động xã hội năm 2017 mặc dù đã có sự cải thiện (93,2 triệu đồng) cao hơn so với năm 2016 (84,5 triệu đồng) nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nước ASEAN, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Do tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch về năng suất lao động giữa nước ta và các nước tiếp tục gia tăng, sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và khó khăn trong việc thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị tiếp tục đánh giá đầy đủ về bài học, kinh nghiệm từ kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 trong bối cảnh các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp trong nước chưa có thay đổi lớn, căn bản; cần phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân từ kết quả tăng trưởng cao nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo một cách bền vững hơn.
Lo dấu hiệu "nóng" của bất động sản
Về tình hình 2018, báo cáo thẩm tra phân tích một số khó khăn vướng mắc của nền kinh tế.
Như, tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách đạt thấp (4 tháng đầu năm ước giải ngân đạt 16,4% dự toán, thấp hơn mức 22,3% cùng kỳ năm 2017). Một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ trong đó có dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam…
Các hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng chưa được khắc phục kịp thời, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra cũng lưu ý, việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thu ngân sách không còn nhiều dư địa tăng nên sẽ khó bố trí nguồn để bù đắp nếu có khoản chi phát sinh. Huy động vốn vay cho cân đối ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do chi phí lãi vay tăng lên, huy động nguồn vốn từ xã hội có nhiều khó khăn, bất cập.
Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm, tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 32%) như thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (29,2% dự toán), thuế bảo vệ môi trường (28,7% dự toán).
Vẫn nằm trong số khó khăn, cơ quan thẩm tra cho rằng công tác điều hành tỷ giá và lãi suất trong năm 2018 vẫn còn phải đối mặt với những diễn biến khó lường do tác động từ chính sách tiền tệ của một số nước lớn, tình hình chính trị trên thế giới. Tình trạng sử dụng tiền ảo còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý để quản lý.
Lưu ý tiếp theo từ báo cáo thẩm tra là thị trường bất động sản đang có dấu hiệu "nóng" lên ở một số địa phương nhất là các thành phố lớn và tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu sản phẩm chưa đầy đủ, thông tin thị trường chưa minh bạch.
Một số loại hình sản phẩm mới như căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng… chưa được quy định một cách chặt chẽ. Tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh) có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định.