09:14 18/03/2009

Phát hành trái phiếu ngoại tệ: “Không có gì đáng lo!”

Từ Nguyên

Quan điểm của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về việc Chính phủ phát hành trái phiếu bằng USD

"Chúng ta phải nhìn vào những thực tế để đánh giá tình trạng “Đô la hóa”, chứ không thể cứ thấy phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ là lại lo sợ."
"Chúng ta phải nhìn vào những thực tế để đánh giá tình trạng “Đô la hóa”, chứ không thể cứ thấy phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ là lại lo sợ."
Đã có những ý kiến lo ngại việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng USD sẽ làm cho tình trạng “Đô la hóa” tăng thêm.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với VnEconomy, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - khẳng định việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng USD lần này không những không làm cho tình trạng “Đô la hóa” trong nền kinh tế tăng lên, mà còn có tác dụng làm cho số USD trôi nổi trên thị trường đi vào ổn định, được kiểm soát và sử dụng đúng mục đích.

Ông nói:

- Về cơ bản thì Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ủng hộ việc phát hành trái phiếu Chính phủ cả bằng nội tệ lẫn ngoại tệ. Do đó, lần phát hành này cũng là bình thường chứ không có gì là “đáng lo” cả.

Vừa qua, cũng có một số ý kiến lo ngại xung quanh mối liên hệ giữa phát hành trái phiếu bằng USD và dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng, từ trước đến nay chúng ta có hai loại dự trữ ngoại hối:

Một là quỹ dự trữ ngoại hối chính thức do Ngân hàng Nhà nước quản lý dùng để thực thi chính sách tiền tệ. Trong đó, có một phần dự trữ  nhỏ hơn do Bộ Tài chính nắm giữ dùng để chi tiêu khi cần thiết.

Một loại dự trữ lớn hơn là dự trữ của quốc gia, đây gọi là tài khoản ngoại tệ ròng của nền kinh tế. Số này sau khi cân đối sẽ lớn hơn tài khoản dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra thì trong dân cư cũng có khoản dự trữ ngoại hối nhưng lại không nằm trong diện được thống kê chính thức. Khi huy động những khoản ngoại tệ này sẽ không làm ảnh hưởng đến dự trữ, đến cán cân thanh toán. Thậm chí, nếu biết cấu trúc thì có thể đưa nó vào dự trữ, vì nếu chi tiêu trong nước thì không hẳn đã phải tiêu bằng ngoại tệ.

Do vậy, chúng tôi ủng hộ Chính phủ phát hành trái phiếu bằng cả nội tệ và ngoại tệ để huy động nguồn lực cho đầu tư, bởi ngân sách hiện nay là thu ít hơn khả năng dự toán và có thể bội chi. Do vậy, nhất định là phải phát hành trái phiếu Chính phủ.

Vấn đề mà chúng ta cần lưu ý, đó là lãi suất cần phải ở một mức thích hợp để có thể huy động được. Chúng ta không nên quá so kè theo kiểu phải vay với lãi suất thấp nhất so với ngân hàng. Trong bối cảnh đặc thù này, chấp nhận trả lãi suất hợp lý, có thể hơi cao một chút nhưng có thể vay được thì sẽ hơn là không vay được bởi nó sẽ làm chậm trễ các tác động của kích cầu.

Bên cạnh đó, trong khi lãi suất thị trường quốc tế là khá cao. Nếu chúng ta theo thị trường quốc tế thì chắc chắn sẽ không theo nổi, nhưng ngược lại, nếu chúng ta huy động với mức lãi suất trong nước thì chủ yếu chỉ người dân mình mua mà thôi.

Không lo “Đô la hóa”

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng USD vào thời điểm này sẽ làm tăng thêm tình trạng “Đô la hóa” của nền kinh tế, thưa ông?

Tôi không nghĩ là như vậy. Người ta vẫn nhìn nhận “Đô la hóa” trên hai phương diện. Một là, Đô la hóa khi chúng ta dùng nhiều Đô la trong nền kinh tế, nhất là đồng Đô la ấy nằm trong dân cư.

Còn việc huy động được USD qua hệ thống ngân hàng, qua hệ thống ngân sách thì đó lại là một giải pháp chống “Đô la hóa”. Vừa qua, các chuyên gia của Tổ chức JICA (Nhật Bản) cũng đã đánh giá là tình trạng “Đô la hóa” của Việt Nam đang giảm vì tiền gửi tiết kiệm bằng USD vào ngân hàng đang tăng lên. Điều đó chứng tỏ những đồng USD trôi nổi ngoài thị trường đã được đi vào hệ thống chính thức.

Mặt khác, nếu Chính phủ huy động bằng ngoại tệ nhưng không dùng đến thì có thể bán ngoại tệ đó lấy nội tệ để chi tiêu. Và ngoại tệ đó cần và sẽ được bán cho những người cần dùng một cách chính thức, nên không phải lo cho tình trạng “Đô la hóa”.

Chúng ta phải nhìn vào những thực tế để đánh giá tình trạng “Đô la hóa”, chứ không thể cứ thấy phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ là lại lo sợ.

Nhưng theo ông, vì sao Chính phủ lại phát hành trái phiếu bằng USD vào lúc này mà không phải là VND, thưa ông?

Thực ra thì chúng ta cũng đã phát hành song song cả ngoại tệ và nội tệ. Vừa qua chúng ta đã phát hành trái phiếu bằng nội tệ nhưng bị thất bại vì lãi suất chào hơi thấp.

Nhưng quan trọng hơn là lúc này chúng ta đang có nguồn ngoại tệ, nhất là khi mà ngoại tệ này ở một số ngân hàng có thể huy động được bằng tiền gửi, trong khi người vay thì lại không muốn vay bằng ngoại tệ vì sợ biến động tỷ giá. Nếu để dồn lại cho các ngân hàng thì cũng không được. Còn nếu ngân hàng hạ quá thấp lãi suất huy động ngoại tệ thì người dân sẽ không gửi mà chuyển sang dùng cho mục đích khác, hoặc tích trữ ở bên ngoài.

Do vậy, số ngoại tệ đó chính là một nguồn lực và Chính phủ phải đứng ra khai thông với tư cách là người chi tiêu.

Thưa ông, ở Mỹ, khi phát hành trái phiếu thì mức lãi suất thường dưới 1%. Còn ở Việt Nam, theo dự đoán của một số chuyên gia thì rất có thể lãi suất của đợt phát hành này là khá cao. Vậy theo ông, nếu lãi suất cao thì liệu có ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm của Chính phủ không?

Đến thời điểm này, dù là Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhưng tôi cũng không thể nắm được lãi suất sẽ ở mức nào. Chỉ nhớ rằng, hiện nay thì các ngân hàng đang huy động tiết kiệm ngoại tệ USD với lãi suất từ 2,5 - 3%.

Còn độ tín nhiệm của một quốc gia được đánh giá bằng các hệ số AAA, BBB hay B+, B-… Nếu được tín nhiệm AAA thì mới được vay sát với LIBOR (lãi suất cho vay thương mại được tham chiếu từ lãi suất của các ngân hàng ở London - PV). Đấy là cái giá phải trả cho việc chúng ta chưa đạt được tín nhiệm cao. Do đó không thể so sánh Việt Nam với Mỹ được.

Hơn nữa, lãi suất thương mại và lãi suất chính sách của Mỹ cũng khác nhau rất nhiều. Trong khi lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chỉ từ 0 - 0,25%, thì lãi suất LIBOR USD lại ở khoảng 2,3%. Lãi suất chính phủ hỗ trợ cho các tập đoàn thấp nhất cũng khoảng 6%/năm.

Do đó, cần phải nhìn vào lãi suất cho vay thực chứ không phải là lãi suất chính sách theo tuyên bố của ngân hàng trung ương. Lãi suất đó chỉ nhằm tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường, chứ không phải là lãi suất thực mà người vay được hưởng.

Không lo lãng phí

Ông có cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư, nhưng việc giải ngân lại rất chậm trễ, gây nên nhiều lãng phí…?

Chúng ta phải nhìn nhận một cách công bằng. Việc phát hành trái phiếu là để dự định làm một số việc mà ngân sách sẽ thu không đủ. Nhưng không đồng nghĩa với việc khi công trình tiến hành thì đã phải huy động được tiền.

Nguyên tắc chi tiêu của Bộ Tài chính là chủ đầu tư có thể ứng trước tiền ở kho bạc nhà nước để chi cho một công trình sẽ sử dụng nguồn trái phiếu, sau đó mới phát hành trái phiếu để thu lại tiền. Không ai dại gì lại huy động trái phiếu về để không đấy rồi phải trả lãi suất cao.

Do đó, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ huy động trái phiếu với lãi cao mà không giải ngân được, làm bội chi ngân sách là không đúng.

Theo ông thì việc phát hành trái phiếu một cách rộng rãi và phát hành theo lô cho các tổ chức đấu thầu như lần này, hình thức nào sẽ hiệu quả hơn?

Trước đây thì chúng ta cũng đã từng phát hành nhiều lần theo hình thức nhỏ lẻ, rộng rãi. Còn việc phát hành theo hình thức nào ở mỗi thời điểm là do Bộ Tài chính quyết định. Cá nhân tôi thì tôi ủng hộ phát hành theo hình thức nhỏ lẻ và tất cả đều có thể tham gia rộng rãi.