05:59 07/05/2007

Phát hành trái phiếu quốc tế: “Năm nay nhiều thuận lợi”

Nguyên Linh

Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính)

Giao dịch tại thị trường chứng khoán New York, thị trường vốn lớn nhất thế giới - Ảnh: Reuters.
Giao dịch tại thị trường chứng khoán New York, thị trường vốn lớn nhất thế giới - Ảnh: Reuters.
Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), xung quanh đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế năm 2007, vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 4.

Thưa bà, tại sao lại đặt vấn đề huy động luồng vốn đầu tư dài hạn do Chính phủ thực hiện thêm một lần nữa trong thời điểm hiện tại?

Chính phủ mong muốn doanh nghiệp tự phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. Tuy nhiên ở thời điểm này, các điều kiện chưa chín muồi bởi vì còn có một số yêu cầu như khả năng về đánh giá hệ số tín nhiệm, đánh giá về năng lực tài chính, kiểm toán,... của các doanh nghiệp phát hành chưa được sẵn sàng. Trong khi đó, nhu cầu về vốn thì rất cấp bách, nhất là những dự án lớn.

Cho nên Chính phủ sau khi xem xét, cân nhắc đã thấy điều kiện thị trường hiện nay rất thuận lợi để có thể phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế nên Chính phủ đã xem xét và thông qua đề án phát hành trái phiếu và Chính phủ sẽ không tiếp tục sử dụng khoản tiền này để cân đối tài chính ngân sách Nhà nước mà cho vay lại đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Cụ thể, trong đợt phát hành năm nay dự kiến sẽ cho dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, phát triển đội tàu của Vinalines và cho phát triển ngành điện. Đó là những lý do Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu một lần nữa.

Nhưng được biết trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng có dự kiến phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. Vậy điều này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch đó không?

Thực ra cũng không có gì thay đổi, các doanh nghiệp này vẫn có thể triển khai các phương án của mình. Nhất là khi Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề án nào cho thấy việc phát hành của các doanh nghiệp mới đang trong thời gian chuẩn bị. Chính vì thế nên họ cũng chưa thể chắc chắn phát hành được trong năm 2007, có thể họ sẽ phát hành vào năm 2008 khi đã sẵn sàng tất cả các điều kiện để ra thị trường một cách tự tin.

Mặt khác, trong những đề án mà Chính phủ có đưa ra để cho vay thì đó là những dự án hết sức cấp bách, khi mà những thủ tục về đầu tư đã xong, có nhu cầu về ngoại tệ và có khả năng ngoại tệ nên ngay trong năm nay Chính phủ sẽ phát hành ra thị trường quốc tế mà các doanh nghiệp không ngại bị ảnh hưởng.

Bà có thể nói rõ hơn về thời điểm phát hành trái phiếu và mức lãi suất dự kiến?

Về lãi suất, sẽ dựa vào lãi suất thị trường quốc tế trong thời điểm phát hành, đảm bảo mục đích xác lập “lãi suất chuẩn” bằng đồng đôla Mỹ cho trái phiếu chính phủ Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế với các kỳ hạn khác nhau. Mức lãi suất không thể xác định ngay được nhưng có thể nói sẽ “khá” hơn lần thứ nhất.

Còn về thời điểm, dự kiến việc phát hành sẽ tiến hành vào quý 4 năm nay, tuy nhiên vẫn chưa xác định thời điểm cụ thể.

Bối cảnh, điều kiện phát hành năm nay được nhìn nhận như thế nào, thưa bà?

Trong năm nay, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi về lãi suất do hệ số tín nhiệm của Việt Nam tăng lên, do đó sẽ tác động vào lãi suất của mình một cách tích cực.

Bên cạnh đó thị trường cũng rất khả quan. Tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam vẫn ổn định. Tỷ lệ nợ quốc gia đối với nước ngoài chỉ là 31% GDP và nếu có thêm các khoản nợ tiếp theo thì mức độ vẫn ở mức an toàn và dưới mức 50%.

Sau đợt phát hành năm 2005, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể huy động trong nước thay vì ngoài nước. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Thực ra thị trường trong nước cũng rất là tiềm năng, nguồn vốn dồi dào nhưng lãi suất cũng không hoàn toàn là hấp dẫn. Tuy vậy, nhu cầu về vốn rất lớn, mặt khác, nhu cầu về vốn của đợt này lại là ngoại tệ nên cũng rất cần phải phát hành ra nước ngoài.

Sau đợt phát hành này, Chính phủ liệu có tiếp tục phát hành hay để doanh nghiệp tự phát hành?

Như đã nói, xu hướng vẫn là khuyến khích doanh nghiệp tự đứng ra phát hành, vấn đề là bản thân họ phải tự chuẩn bị để đáp ứng được những yêu cầu đề ra cho việc phát hành hay không. Và khi họ đáp ứng được những điều kiện đó cũng như có thể đi vay được như Chính phủ thì đó là mong muốn nhất.

Việc Chính phủ phát hành cũng là tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn khi nhu cầu vốn cấp bách và các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa sẵn sàng thì Chính phủ giúp bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ và về cho vay lại.