11:55 14/03/2024

Phát triển ngành công nghiệp TP.HCM: Có định hướng nhưng chưa xác định ngành chủ lực

Ban Mai

Ngành công nghiệp TP.HCM chưa hình thành được cứ điểm phát triển nào để mang tính dẫn dắt. Nhược điểm đó cần khắc phục trong chiến lược phát triển công nghiệp thời gian tới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TP.HCM có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất sang thâm dụng công nghệ và vốn từ giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm chạp và còn nhiều yếu điểm. Đặc biệt, đối với TP.HCM, đất phát triển dự án bất động sản hấp dẫn hơn làm công nghiệp. Chính vì vậy, đất làm công nghiệp của thành phố quá đắt. Do đó, doanh nghiệp bất động sản thì nhiều nhưng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp rất hiếm.

THIẾU DOANH NGHIỆP LỚN “DẪN DẮT”

Nêu quan điểm tại tọa đàm “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp tại TP.HCM gắn với các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược thuộc Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 12/3/2024, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 (NQ 98 - về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM), cho rằng TP.HCM có rất nhiều ngành công nghiệp nhưng chưa có những “sếu đầu đàn” trong từng ngành, chưa hình thành được cứ điểm phát triển nào để mang tính dẫn dắt. Những nhược điểm đó cần khắc phục trong chiến lược phát triển công nghiệp.

“TP.HCM phải xác định được ngành công nghiệp nào là chủ lực, gắn với vùng Đông Nam bộ, bởi thành phố không có lợi thế phát triển công nghiệp như các tỉnh lân cận. Việc chọn lĩnh vực nào, chỗ nào là bài toán rất lớn; cần làm rõ những ngành đầu tư có lợi thế, làm sao thu hút nhà đầu tư chiến lược theo NQ 98”, ông Lịch nhấn mạnh.

Theo TS Trần Du Lịch: "TP.HCM phải xác định được ngành công nghiệp nào là chủ lực, gắn với vùng Đông Nam bộ..." - Ảnh: VP.
Theo TS Trần Du Lịch: "TP.HCM phải xác định được ngành công nghiệp nào là chủ lực, gắn với vùng Đông Nam bộ..." - Ảnh: VP.

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho biết lúc đầu thành phố phát triển những ngành có thể tận dụng lợi thế của thành phố và Việt Nam, như: dệt may, da dày, cơ khí, nhựa. Nhưng xu hướng hiện nay là tập trung vào các ngành công nghệ cao, thiên về trí tuệ như chip bán dẫn… Hiện các yếu tố lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là lợi thế cạnh tranh. Các khu vực xung quanh đã đô thị hóa, các khu chế xuất-công nghiệp lọt thỏm giữa khu dân cư. Nên phát triển như thế nào để chuyển đổi sang hướng công nghệ cao là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

“Để thu hút tiếp các ngành trí tuệ cao thì hiện nay thành phố rơi vào cảnh thiếu quỹ đất”, theo ông Hà.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao, TP.HCM nên phát triển công nghiệp theo hướng thâm dụng tri thức, chứ không chỉ dừng ở thâm dụng vốn. Phát triển công nghiệp phải trên cơ sở thế mạnh là nhân lực, khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo. Ngành ưu tiên cần tập trung là công nghệ sinh học, vi mạch bán dẫn… Trong chuỗi giá trị toàn cầu là thiết kế - sản xuất – đóng gói, Việt Nam chỉ mới làm được khâu thiết kế, đóng gói, chưa sản xuất được.

“Đất đai không thể là thế mạnh cạnh tranh, cần đi theo hướng thâm dụng tri thức. Nguồn lực con người là quan trọng nhất và đó là thế mạnh của TP.HCM và không được bỏ qua nguồn lực quan trọng là người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Thi nêu quan điểm.

Về việc xác định nhà đầu tư chiến lược, ông Thi cho rằng, đó nên là nhà đầu tư có thể giúp chúng ta xây dựng được hệ sinh thái xoay quanh nó, mở được cánh cửa cho doanh nghiệp trong nước ra với thế giới. Vừa qua, Khu Công nghệ cao thu hút được một nhà đầu tư trong lĩnh vực đóng gói sản phẩm chip. Vốn đầu tư của họ chỉ 5 triệu USD, nhưng họ tạo ra doanh thu hàng năm là 150 triệu USD. Đặc biệt, đi cùng họ là các doanh nghiệp trong hệ sinh thái về sản xuất chip.

Theo TS Phan Thụy Kiều, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp dịch chuyển phân khúc sản xuất có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị, bên cạnh các giải pháp đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

“NÓNG” VỚI MUA - BÁN DOANH NGHIỆP VIỆT

Nêu lên vấn đề đang âm thầm diễn ra quyết liệt hiện nay đối với các doanh nghiệp Việt, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đó là vấn đề thâu tóm doanh nghiệp Việt của các công ty nước ngoài.

“Chúng ta bàn về chiến lược phát triển ngành công nghiệp, nhưng trước mắt cần đặt ra việc bảo vệ doanh nghiệp và nền sản xuất trong nước. Tình hình mua bán công ty khá “nóng”. Chúng tôi rất lo lắng về việc mua bán công ty có dấu hiệu thâu tóm doanh nghiệp Việt”, bà Hạnh nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, lo lắng trước việc các công ty nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt - Ảnh: VP.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, lo lắng trước việc các công ty nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt - Ảnh: VP.

Theo bà Hạnh, hiện nay có những công ty quốc gia mua công ty Việt Nam như đi “mua rau”. Đặc biệt, thời điểm từ năm 2018 trở lại đây, những công ty của Thái Lan thường xuyên thực hiện việc mua công ty Việt Nam.

Sau mua bán thành công, họ có những cách để đưa hàng nước ngoài vào, rồi dán nhãn Việt Nam và bán trên thị trường. Đây cũng là một cách để triệt tiêu nền công nghiệp và sản xuất của Việt Nam.

Bà Hạnh cho biết một số quốc gia đã có luật để họ minh bạch và bảo vệ nền sản xuất của họ. Như Nhật Bản, quy định tới năm 2025, bất kỳ quốc gia nào bán hàng online vào Nhật đều phải khai báo và có chi nhánh chính thức trên đất Nhật, để chịu trách nhiệm với người tiêu dùng và đóng đủ thuế, tránh tình trạng hàng hóa tràn qua biên giới, gây thiệt hại cho nhà sản xuất trong nước. Ngay Singapore cũng đã có luật, công ty trong nước nếu bán cổ phần trên 5% là phải xin phép chính phủ.

 

Dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra tỷ trọng đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) là 18-20% trong giai đoạn 2024-2025 và đến năm 2030 là 20-22%.

Nhóm nghiên cứu “Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cũng đưa ra gợi ý về quy hoạch phát triển công nghiệp chủ lực thành phố thành 03 vùng. Cụ thể, Vùng lõi: bao gồm TP. Thủ Đức và quận 7 là phát triển các ngành công nghiệp điện tử, cơ khí, kim loại đúc sẵn tập trung tại các khu công nghiệp đã quy hoạch.

Vùng ngoại vi: bao gồm Nhà Bè, Tân Bình, Tân Phú, quận 12, Bình Tân là các ngành sản xuất thiết bị điện, sản xuất trang phục, dệt may, da giày và các ngành công nghiệp khác tập trung tại các khu công nghiệp đã quy hoạch.

Vùng ven: gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn là các ngành công nghiệp hóa dược - dược liệu; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tập trung ở khu liền kề các tỉnh lân cận.