14:30 20/03/2019

Phát triển thị trường triệu tỷ đồng để chặn “tín dụng đen”

Thanh Nga

Mặc dù quy mô thị trường cho vay tiêu dùng nước ta đạt hơn 1 triệu tỷ đồng song hơn 90% thị phần vẫn nằm trong tay các ngân hàng với điều kiện cho vay khắt khe

Để giải quyết vấn nạn "tín dụng đen", phải phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng thông qua các công ty tài chính và một số các ngân hàng nhỏ.
Để giải quyết vấn nạn "tín dụng đen", phải phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng thông qua các công ty tài chính và một số các ngân hàng nhỏ.

Mặc dù quy mô thị trường cho vay tiêu dùng nước ta đạt hơn 1 triệu tỷ đồng song hơn 90% thị phần vẫn nằm trong tay các ngân hàng với điều kiện cho vay khắt khe. Thị trường cho vay tiêu dùng phi ngân hàng quá nhỏ bé là một nguyên nhân quan trọng khiến "tín dụng đen" có nhiều đất sống.

Không có đối trọng, "tín dụng đen" sẽ ngày càng lan rộng

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, "tín dụng đen" không giảm, thậm chí còn tăng bởi xử phạt chỉ là giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của "tín dụng đen" là nhu cầu vay vốn của bộ phận người dân có thu nhập thấp và trung bình thấp rất lớn, nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ.

"Muốn giải quyết tận gốc vấn đề "tín dụng đen", phải thực hiện bằng giải pháp kinh tế, đó là đáp ứng được nhu cầu vốn của người thu nhập thấp, trung bình bằng kênh tín dụng chính thức. Vì vậy, để chống "tín dụng đen", chúng ta cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng chính thức", ông Kiên phân tích.

Ước tính, quy mô "tín dụng đen" hiện nay chiếm 6 - 8% tổng dư nợ nền kinh tế nước ta, tức trên dưới nửa triệu tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giảm "tín dụng đen", cần "kích" thị trường cho vay tiêu dùng với các khách hàng dưới chuẩn, không tiếp cận được vốn ngân hàng. Hiện đối trọng của "tín dụng đen" ở Việt Nam là các công ty tài chính tiêu dùng – đang phục vụ khách hàng dưới chuẩn và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, dư nợ cho vay của nhóm công ty này còn nhỏ, mới chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng (hơn 90.000 tỷ đồng).

Vì vậy, để giải quyết "tín dụng đen", các chuyên gia tài chính khuyến nghị, Chính phủ cần phải đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức tài chính phi ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng để phục vụ nhóm khách hàng trên.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: "Nếu không phát triển các công ty tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp, được Nhà nước quản lý, cho vay nặng lãi sẽ ngày càng lan rộng".

"Kích" thị trường cho vay tiêu dùng bằng cách nào?

Tín dụng cho vay tiêu dùng toàn hệ thống đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, song hơn 50% là dư nợ cho vay mua nhà, sửa nhà của các ngân hàng thương mại. Như vậy, quy mô cho vay tiêu dùng đúng nghĩa ở nước ta vẫn còn nhỏ. Đặc biệt, dư nợ của nhóm công ty tài chính tiêu dung chỉ bằng 15 - 20% quy mô "tín dụng đen".

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, dư địa phát triển của thị trường tài chính tiêu dung ở Việt Nam rất lớn vì chỉ chưa đến một nửa người dân có thể tiếp cận vốn ngân hàng, rất nhiều người vẫn đang phải "vay ngoài" với lãi suất rất cao vì không có tài sản thế chấp.

"Sự ra đời của các công ty tài chính giúp người dân không phải dựa vào "tín dụng đen" để vay nóng, trả lãi cắt cổ. Còn đối với nền kinh tế, tín dụng tiêu dung cũng thúc đẩy tăng cầu trên thị trường, khuyến khích tăng cung cả về số lượng lẫn chất lượng từ phía sản xuất và cung ứng dịch vụ, làm cho nền kinh tế năng động hơn và tốc độ tăng trưởng cao hơn", ông Doanh nói.

Được biết, để chống lại "tín dụng đen", Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng được khuyến khích phát triển.

Dù vậy, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như là giáo dục tài chính, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng. Theo đó, cần một bộ luật, hoặc chí ít là một pháp lệnh về cho vay tiêu dùng thì mới đảm bảo hành lang pháp lý cho thị trường này phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, để người dân có thể tiếp cận tốt hơn các sản phẩm dịch vụ tổ chức tín dụng, bà Trần Kim Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, đề nghị, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về "tín dụng đen".

Chia sẻ về định hướng phát triển tín dụng tiêu dung, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, bên cạnh những giải pháp về tạo lập khung pháp lý để phát triển môi trường cho tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh và bền vững, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn đầu tư cho nền kinh tế, trong đó có cho vay tiêu dùng, góp phần hỗ trợ, kích thích sản xuất kinh doanh.

"Khi tín dụng tiêu dùng phát triển và đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của khách hàng thì sẽ góp phần đẩy lùi hiện tượng "tín dụng đen" trên thị trường hiện nay", ông Tú Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để tín dụng tiêu dùng phát triển thực sự bền vững, ông Tú Anh cho biết, vẫn cần có những nỗ lực từ phía các tổ chức tín dụng và khách hàng vay. Các tổ chức tín dụng cũng cần nhanh chóng áp dụng chuẩn mực quản lý rủi ro Basel II để đánh giá đầy đủ các rủi ro hoạt động của mình. Về phía khách hàng cũng cần tìm hiểu những kiến thức cơ bản về tín dụng, nghiên cứu kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng để tránh mắc phải những rủi ro đối với chính mình.

Để giải quyết vấn nạn "tín dụng đen", phải phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng thông qua các công ty tài chính và một số các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, phải có khung pháp lý rõ ràng, hoàn thiện, có sự giám sát của cơ quan quản lý. Khuyến khích các công ty tài chính phát triển, hoạt động theo luật, được giám sát chặt chẽ trong quá trình hoạt động.