09:52 12/05/2014

Phe ly khai Ukraine tuyên bố thắng trưng cầu dân ý

Diệp Vũ

Theo kết quả sơ bộ, 90% người dân ở Donetsk nhất trí kế hoạch ly khai khỏi Ukraine, chỉ có 10% phản đối

Một người biểu tình ở Donetsk, Ukraine giương cao cờ Nga. Những diễn biến mới nhất ở miền Đông Ukraine dẫn tới lo ngại về khả năng
 một kịch bản tương tự như trường hợp Crimea sẽ trở thành hiện thực - Ảnh: AFP/Getty.<br>
Một người biểu tình ở Donetsk, Ukraine giương cao cờ Nga. Những diễn biến mới nhất ở miền Đông Ukraine dẫn tới lo ngại về khả năng một kịch bản tương tự như trường hợp Crimea sẽ trở thành hiện thực - Ảnh: AFP/Getty.<br>
Phe biểu tình thân Nga ở miền Đông Ukraine công bố chiến thắng áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý về ly khai diễn ra vào cuối tuần vừa rồi. Chính phủ ở Kiev, cùng Mỹ và các đồng minh châu Âu tuyên bố kết quả này là không hợp pháp.

Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở Donetsk vào ngày Chủ nhật (11/5) được công bố vào cuối ngày, 90% người dân trong vùng nhất trí kế hoạch ly khai, chỉ có 10% phản đối. Thông tin này được hãng tin RIA Novosti của Nga đưa ra, dẫn lời ông Roman Liagin, người đứng đầu ủy ban trưng cầu dân ý. Tại một khu vực bỏ phiếu khác là Luhansk, tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu là 75%, nhưng kết quả còn chưa được xác định - RIA cho biết.

Theo hãng tin Bloomberg, cuộc trưng cầu dân ý diễn ra giữa lúc các cuộc đụng độ giữa lính Ukraine và các phần tử nổi dậy ở miền Đông Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng. Chính phủ Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng cảnh báo về những hậu quả mà cuộc trưng cầu dân ý bị cho là bất hợp pháp này có thể mang lại. Phương Tây nói rằng, cuộc bỏ phiếu có thể đẩy Ukraine rơi vào nội chiến, đồng thời dọa sẽ gia tăng trừng phạt Nga.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai kêu gọi phe nổi dậy hoãn cuộc trưng cầu dân ý lại, nhưng lời kêu gọi của ông Putin đã bị lực lượng ly khai phớt lờ. Kiev và phương Tây cáo buộc Moscow xúi giục các phần tử ly khai gây bất ổn ở miền Đông Ukraine.

Một cuộc trưng cầu dân ý tương tự đã diễn ra ở Crimea hồi tháng 3, kéo theo việc bán đảo chiến lược bên bờ biển Đen này sáp nhập vào Nga. Những diễn biến mới nhất ở miền Đông Ukraine dẫn tới lo ngại về khả năng một kịch bản tương tự như trường hợp Crimea sẽ trở thành hiện thực.

Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói rằng, vẫn đang có khoảng 40.000 quân Nga tập trung ở biên giới phía Đông giáp với Ukraine. Trong một chương trình phỏng vấn trên truyền hình vào cuối tuần, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng, không có tín hiệu nào cho thấy Nga thực hiện lời hứa rút quân khỏi biên giới như ông Putin đã nói.

Với cuộc bầu cử tổng thống dự kiến tổ chức vào ngày 25/5, Ukraine đã triển khai quân đội tới trấn áp các phần tử nổi dậy ở miền Đông. Hôm qua, một cố vấn cấp cao của quyền Tổng thống Oleksander Turchinov nói rằng, quân đội Ukraine đã tiêu diệt nhiều phần tử nổi dậy đang chiếm giữ các tòa nhà công quyền và các con đường ở các thành phố miền Đông. Tuần trước, các cuộc đụng độ đẫm máu cũng đã xảy ra ở Slovyansk và thành phố cảng Mariupol.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner hôm qua nói rằng, Washington cần mở rộng đối tượng trừng phạt sang các ngân hàng của Nga. Trong khi đó, EU có thể công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty Nga tham gia tiếp quản các tài sản ở Crimea sau khi vùng này sáp nhập vào Nga.