06:52 11/08/2021

Phó Thống đốc nói gì về đồn đoán Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành?

Hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để hạ lãi suất điều hành vì Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như hạ lãi suất, cơ cấu nợ vay...

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị hạ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp.

Theo Phó Thống đốc, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng gay gắt và diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố, rất nhiều tỉnh thành đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khó khăn tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, những khó khăn này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra và có những biện pháp giải quyết trong nhiều văn bản chỉ đạo điều hành.

Về phía ngành ngân hàng, ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp lúc này.

 

Ngân hàng Nhà nước thống kê sơ bộ: từ khi dịch bùng phát đến nay, toàn hệ thống đã giảm lãi trực tiếp, gián tiếp đối với các khoản vay cũ, khoản vay mới khoảng 18.830 tỷ đồng. 

Mới đây nhất dưới sự định hướng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức 16 tổ chức tín dụng họp và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng còn triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.

Riêng về vấn đề giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay lãi suất điều hành để tạo nguồn lực cho ngân hàng hỗ trợ người dân, Phó Thống đốc cho rằng, Ngân hàng Nhà nước luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành hay là có sự điều chỉnh mức độ đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.

Bởi khi đưa ra quyết định thay đổi điều chỉnh không phải theo ý chí chủ quan của nhà điều hành mà phụ thuộc vào tính khách quan cần thiết của nền kinh tế.

Cụ thể ở đây, để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh phải được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn mà trước hết phải đảm bảo được mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp nữa đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của quốc gia trong ngắn và trung hạn.

“Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế”, ông Tú đánh giá.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, qua phân tích diễn biến thị trường, vốn khả dụng các ngân hàng thương mại khá dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp, cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh do đang thực hiện cách ly tại nhiều địa phương.

“Do đó, việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì sẽ có điều chỉnh kịp thời theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định vĩ mô bền vững để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn quan tâm, đề phòng, đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa, cảnh giác với yếu tố có nguy cơ lạm phát đã và đang xuất hiện.