Phó thủ tướng mong doanh nhân hiến kế cho Chính phủ
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nhân và người nhân để hoàn thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh
Đề nghị doanh nhân tích cực hiến kế cho Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nhân và người dân để hoàn thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Sáng 5/10, Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 "Tổ quốc gọi tên mình" với chủ đề: "Việt Nam 2045- Khát vọng hùng cường và sứ mệnh của doanh nhân" được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, trước giờ khai mạc diễn đàn, trên 1.000 doanh nhân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã sum vầy bên tượng đài Mẹ, nhớ về Mẹ Âu Cơ, chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và hướng ra biển lớn với khát vọng hòa bình, hội nhập và thịnh vượng cho đất nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thông tin nhanh về kết quả kinh tế xã hội 9 tháng năm 2019.
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những dự báo thiếu lạc quan nhưng tình hình kinh tế 9 tháng của Việt Nam rất đáng phấn khởi. Tính chung 9 tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây, Phó thủ tướng thông tin.
Kết quả tiếp theo được Phó thủ tướng nhắc tới là kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đầu tư nhà nước giảm nhưng đầu tư xã hội tăng, doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống người dân tiếp tục được nâng cao...
Đóng góp vào kết quả trên, theo Phó thủ tướng có sự đóng góp hết sức quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Nêu con số cả nước có hơn 740 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, Phó thủ tướng cho biết khu vực doanh nghiệp hiện đang đóng góp khoảng 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Từ 2006 đến nay tỷ trọng đóng góp của khu vực ngoài nhà nước ngày càng tăng, khu vực nhà nước giảm dần và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giữ nguyên, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, đất nước và doanh nghiệp còn đứng trước nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng thấp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng còn thấp.
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy vừa và nhỏ và siêu nhỏ (gần 98% tổng số các doanh nghiệp), hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh....Phó thủ tướng nhìn nhận.
Ngoài những hạn chế cố hữu xuất phát từ quy mô nhỏ bé thì theo Phó thủ tướng hạn chế nữa là sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có qui mô lớn hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp có quy mô vừa, đủ mạnh để có thể làm mắt xích giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, một bộ phận doanh nhân còn bị động, thiếu trách nhiệm xã hội, Phó thủ tướng nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện khát vọng hùng cường vào năm 2045, trước 1.000 doanh nhân tham dự diễn đàn, Phó thủ tướng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện pháp luật về kinh doanh, tạo thuân lợi cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt các chính sách khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi kinh tế số...
Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế chính sách trong những năm tới, Thủ tướng, Chính phủ vừa rồi cũng đã thực hiện những việc rất đồ sộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, rất mong muốn doanh nghiệp đóng góp để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, khát vọng phát triển đất nước không thể thành hiện thực nếu thiếu đi sự vào cuộc của doanh nghiệp. Vì thế, Phó thủ tướng mong muốn đội ngũ doanh nhân Việt nuôi dưỡng khát vọng làm giàu cho bản thân và đất nước. Từ khát vọng đó sẽ thôi thúc tìm kiếm cơ hội đầu tư, đóng góp cho sự phát triển xã hội.
Muốn vậy cần tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc từ sản phẩm, đầu tư, quản trị, nhân sự... trên cơ sở lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu nhưng cũng cần coi trọng thị trường trong nước. Doanh nghiệp Việt cũng cần cần chú trọng xây dựng thương hiệu, xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp, phải là những người tiên phong, ứng dụng khoa học công nghệ liên doanh liên kết, tích cực chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, Phó thủ tướng trao đổi với đội ngũ doanh nhân.
Kết thúc phát biểu, Phó thủ tướng nêu lại đề nghị doanh nhân tích cực hiến kế cho Chính phủ, góp ý để hoàn thiện thể chế chính sách, hướng tới khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045.