Phó thủ tướng: Tăng trưởng không chỉ phụ thuộc vào Samsung
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có những băn khoăn về tốc độ tăng trưởng
Cuối phiên thảo luận sáng 2/11 của Quốc hội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có những băn khoăn về tốc độ tăng trưởng.
Theo Phó thủ tướng, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ năm 2017, bên cạnh rất nhiều những cơ hội, thuận lợi thì không ít khó khăn, đặc biệt là tình hình thiên tai xảy ra liên tiếp, diễn biến rất phức tạp. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung để cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh nhằm huy động tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài cho đầu tư phát triển.
Đồng thời Chính phủ và Thủ tướng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Từ kết quả đó, theo đánh giá của diễn đàn kinh tế thế giới thì năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, 2018 của Việt Nam đã tăng được 5 bậc, tức là xếp hàng 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ, Phó thủ tướng cho biết.
Ông cũng thông tin thêm là Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, năm 2018 dự kiến sẽ tăng 14 bậc, tức là lên 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là tín hiệu rất mừng của môi trường đầu tư kinh doanh cũng như môi trường phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo phó thủ tướng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng rất bất lợi cho tăng trưởng kinh tế như sản lượng khai khoáng giảm rất mạnh, 9 tháng ngành khai khoáng giảm 8,1%. Riêng dầu khí giảm 10,7%, so với năm 2016, năm 2017 dự kiến chỉ có 13,28 triệu tấn dầu và như vậy giảm 2 triệu tấn so với năm 2016. Tính theo giá so sánh GDP của năm 2010 trong cách tính GDP, mỗi triệu tấn dầu đóng góp 0,25% cho GDP và như vậy năm nay so với năm trước thì riêng khai khoáng và dầu khí đã giảm 0,5% GDP.
Tình hình kinh tế quý 1 đạt rất thấp nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ông cho biết thêm là lúc đó nhiều ý kiến bên ngoài, thậm chí các chuyên gia cho rằng không chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Đồng tình quan điểm này, song Phó thủ tướng giải thích phải đảm bảo tăng trưởng 6,7% để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì nếu không tăng trưởng 6,7% thì tất cả các bài tính về kinh tế vĩ mô của năm 2017 phải tính lại hết. Tăng trưởng như vậy sẽ góp phần đảm bảo an toàn nợ công ở mức dưới 65%.
Tăng trưởng đạt mục tiêu cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thu ngân sách tăng hơn, đảm bảo các mục tiêu chi và đầu tư xây dựng, từ đó góp phần để từng bước giảm bội chi, đời sống người dân sẽ được cải thiện. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được thực hiện.
Phó thủ tướng cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản cụ thể cho từng quý, đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, đặc biệt rà soát cụ thể đối với 31 sản phẩm chủ lực, những sản phẩm này tạo ra giá trị khoảng hơn 1 tỷ USD cho xuất khẩu, cho phát triển kinh tế.
Đồng thời yêu cầu các bộ quản lý ngành kinh tế, tập trung để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Phó thủ tướng khẳng định, kết quả 6,7% là nhờ tăng trưởng cao và khá đồng đều ở cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Cụ thể, khu vực nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78%, tức là gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2016, riêng thủy sản tăng 5,42% và xuất khẩu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, ước cả năm đạt 35 tỷ USD, cao hơn năm trước xấp xỉ 3 tỷ USD.
Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng tăng 7,17%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng rất mạnh 12,77%. Trong tháng 10 này chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh đến17% và tính chung 10 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng cùng kỳ năm 2016 chỉ đạt 7,3%.
Khu vực dịch vụ 9 tháng tăng 7,25% và là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng 10 tháng đã tăng 10,7%, cùng kỳ chỉ tăng 9,3%. Kinh tế du lịch tăng mạnh, 10 tháng khách quốc tế đạt trên 10 triệu (10,4 triệu lượt khách), tức là đã bằng năm ngoái. Xuất khẩu tăng mạnh, 10 tháng đạt 173 tỷ USD, tức là gần bằng tổng xuất khẩu năm 2016. Từ đó, góp phần giảm nhập siêu, đến thời điểm này đã xuất siêu được 1,23 USD.
Cụ thể hơn, Phó thủ tướng thông tin, trong xuất khẩu có nhiều sản phẩm đạt kết quả rất đáng mừng, đó là rau quả tăng đến 42,7%, các thiết bị sản xuất máy tính tăng 38,8%, các máy móc, thiết bị, phụ tùng... của các ngành công nghiệp chế biến tăng 28% và có rất nhiều sản phẩm mới được tạo ra.
Như vậy, kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà nó tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế cả 3 khu vực, Phó thủ tướng khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh 2017 lần đầu tiên nền kinh tế tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng.
Tăng trưởng kinh tế đạt cao song, song Phó thủ tướng cũng đề cập ý kiến nhiều đại biểu là chất lượng tăng trưởng còn thấp, thể hiện ở hiệu quả đầu tư chưa cao đặc biệt là hệ số ICOR. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ vẫn còn ít, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Giá trị gia tăng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn thấp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp còn chậm và lúng túng.
Thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng hợp lý ở các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm.