14:54 25/01/2024

Phó Tổng Giám đốc thường trực HSG đăng kí bán gần hết cổ phiếu

Hà Anh

Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc thường trực HSG đăng ký bán 800.000 cổ phiếu HSG để thu xếp tài chính cá nhân.

Sơ đồ giá cổ phiếu HSG trên HOSE.
Sơ đồ giá cổ phiếu HSG trên HOSE.

Ông Vũ Văn Thanh thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG-HOSE).

Theo đó, ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc thường trực HSG đăng ký bán 800.000 cổ phiếu HSG để thu xếp tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/1-27/2, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.

Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu ông Thanh nắm giữ sẽ giảm từ 806.202 cổ phiếu (tỷ lệ 0,13%) xuống còn 6.202 cổ phiếu (tỷ lệ 0,001%). Chốt phiên giao dịch ngày 24/1, giá cổ phiếu này đạt 22.850 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Thanh có thể thu về khoảng 18,3 tỷ đồng.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ ngày 27/11 đến ngày 22/12/2023, ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực - Điều hành HSG đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu HSG nhưng không bán được do điều kiện thị trường không phù hợp. Hiện ông Chu đang nắm giữ hơn 1,78 triệu cổ phiếu, chiếm 0,29% vốn.

Mới đây, HSG vừa công bố Báo cáo thường niên cho niên độ 2022-2023 với doanh thu hợp nhất đạt 31.651 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 30 tỷ đồng.

Đối với các khoản nợ vay ngân hàng, tại thời điểm 01/10/2022 tổng nợ vay ngân hàng của Tập đoàn Hoa Sen là 4.187 tỷ đồng thì đến thời điểm 30/9/2023, con số này chỉ còn 2.936 tỷ đồng, giảm được 1.250 tỷ đồng.

Theo HSG, điều này làm cho hệ số nợ ngân hàng/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 38% về mức 27%. Bên cạnh việc giảm dư nợ vay, Tập đoàn Hoa Sen còn nỗ lực hết sức trong việc đàm phán để có mức lãi suất tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vào đó, chi phí lãi vay của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm hơn 65 tỷ đồng (giảm 25%), từ mức 260 tỷ đồng trong NĐTC 2021 - 2022 xuống còn 195 tỷ đồng trong NĐTC 2022 - 2023.

Ngoài ra, như Tập đoàn Hoa Sen đã từng công bố trong Quý 1 NĐTC 2022 - 2023 về việc đã tất toán tất cả các khoản dư nợ USD từ sớm, nên dù tỷ giá VND/USD có những biến động phức tạp thì Tập đoàn Hoa Sen cũng không chịu ảnh hưởng nặng lên chi phí chênh lệch tỷ giá. Kết quả, chi phí chênh lệch tỷ giá của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm 142 tỷ đồng (giảm 54%) từ mức 261 tỷ đồng trong NĐTC 2021 - 2022 xuống còn 119 tỷ đồng trong NĐTC 2022 - 2023.

Cũng theo HSG, việc quản lý chi phí tài chính là một điểm sáng đáng ghi nhận của Tập đoàn Hoa Sen khi mà tổng chi phí tài chính đã được giảm được 207 tỷ đồng, tương đương giảm 40%, từ mức 521 tỷ trong NĐTC 2021 - 2022 xuống còn 314 tỷ đồng trong NĐTC 2022 - 2023.

Trong niên độ 2023-2024, công ty nghiên cứu, tìm kiếm sản phẩm mới, đối tác đủ uy tín, năng lực để đa dạng hóa các dòng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung theo nhu cầu của thị trường; Tiếp tục triển khai chuyển đổi mô hình của Tập đoàn theo lộ trình phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình hoạt động của Tập đoàn, cụ thể:

+ Đối với Mảng sản xuất kinh doanh nhựa: Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen, từng bước triển khai phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) khi đã chuẩn bị đủ nguồn lực và điều kiện thị trường cho phép. Dự kiến trong thời gian sắp tới (dự kiến 2024 – 2026), nếu tình hình kinh tế thuận lợi, HĐQT sẽ trình phương án IPO lên ĐHĐCĐ xem xét, thông qua.

+ Đối với Mảng kinh doanh Phân phối VLXD và nội thất: Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả kinh doanh của Hệ thống Hoa Sen Home. Song song đó, chuẩn bị đủ nguồn lực để thành lập Công ty Cổ phần Phân phối VLXD – Nội thất Hoa Sen (“CTCP Hoa Sen Home”). Tập đoàn sẽ chuyển giao mảng phân phối VLXD – nội thất cho CTCP Hoa Sen Home vào một thời điểm phù hợp (dự kiến 2024 – 2026).