PPP loay hoay suốt 10 năm vì một việc làm chưa có tiền lệ
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ông Đặng Huy Đông thì Ngân hàng Thế giới đã đưa Việt Nam vào thế khó từ dự án thí điểm theo hình thức PPP Dầu Giây - Phan Thiết
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông thì Ngân hàng Thế giới đã "đưa Việt Nam vào con đường sai trái" từ dự án thí điểm theo hình thức PPP Dầu Giây - Phan Thiết, khiến chính sách loay hoay suốt 10 năm qua.
"Tôi rất tiếc là Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa chúng ta đi vào con đường sai trái. Không ai đi vay vốn của nhà tài trợ, Chính phủ bảo lãnh để đưa cho Bitexco đầu tư đường Phan Thiết - Dầu Giây cả. Tôi hỏi bà Kwa Kwa (Giám đốc quốc gia WB ở Việt Nam lúc đó – PV) là đã làm ở đâu trên thế giới chưa. Như thế làm sao gọi là đối tác công - tư được khi nhà nước bảo lãnh hoàn toàn? Chị này nói chị ấy làm theo yêu cầu. Chính sách đó đã đưa chúng ta đi vào lấn cấn từ 10 năm qua", nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông nói trong phiên thẩm tra dự án luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư của Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng 29/8.
Theo ông Đông, hậu quả của bước đi đầu tiên sai lệch đó là người ta đổ xô làm PPP bằng các nhận thức khác nhau kiểu thầy bói xem voi, để rồi nó ra thứ BOT lộn xộn, lổn nhổn như hiện nay.
Dẫn thông lệ thế giới, ông Đông cho biết người ta định nghĩa đây là một hợp đồng nhượng quyền, quyền của nhà nước cung cấp dịch vụ cho xã hội, nhưng nhà nước nhượng cho tư nhân làm. Lẽ ra Nhà nước thu tiền thuế của dân vào ngân sách rồi ngân sách mới đầu tư đường sá, cầu cồng; nhưng tư tưởng hiện nay là hạ tầng phải đi trước một bước, nên mới có hình thức đầu tư này để thu phí của dân ngay trong quá trình khai thác.
"Với dự án PPP, điều quan trọng nhất là bản hợp đồng. Các nước coi đó như một văn bản pháp luật độc lập mà nhà nước có nghĩa vụ phải thực hiện. Nếu chúng ta không nhận thức được ý nghĩa của bản hợp đồng như vậy, thì còn chưa thu hút được vốn nước ngoài. Thời gian qua các dự án BOT thu hút được nhiều vốn đầu tư trong nước, trong đó có nhiều nguyên nhân ta không nói; còn nếu muốn thu hút vốn nước ngoài thì phải đảm bảo rằng mỗi một hợp đồng là một văn bản pháp luật của nhà nước đó với nhà đầu tư", ông Đông nói.
Do hợp đồng có giá trị pháp lý cao như vậy, nên quan trọng nhất trong thẩm định dự án PPP là thẩm định được giá trị của hợp đồng. Phải trả lời được câu hỏi nếu làm PPP thì lợi hơn gì so với nhà nước đi vay làm, hoặc nhà nước bỏ tiền làm?
Ông Đặng Huy Đông cũng cho rằng hiện nay Việt Nam đang đấu thầu rất sai. "Chúng ta đang đấu thầu dự án, trong khi lẽ ra phải đấu thầu dịch vụ công. Điều này sẽ trả lời câu hỏi nhà nước quản lý cái gì, chứ không phải như bây giờ chúng ta nhảy vào quản lý lung tung, cả đơn giá, định mức của người ta, bắt buộc người ta làm theo thiết kế các đồng chí nghĩ ra từ muôn thuở, nên không có giá trị của đổi mới, sáng tạo", theo ông Đông.
Ông này cũng đơn cử một sự thực hết sức vô lý là một nhà đầu tư quốc tịch Mỹ làm dự án xử lý rác bằng công nghệ compost, giờ "không có kWh điện nào, không có 1 cân phân compost nào, nhưng nhà nước vẫn phải trả tiền đầy đủ, giờ là 25 USD/tấn rác".
"Tại sao anh không cung cấp được dịch vụ mà anh lại được nhận tiền? Lỗi là ở chỗ này các đồng chí ạ. Lỗi ở chỗ khi đấu thầu chọn nhà đầu tư, chúng ta đã thẩm định công nghệ của họ và chấp nhận. Giờ đuổi nhà đầu tư ra thì phải đền, thế nên giờ cắn răng mà chịu. Họ chỉ cài mỗi một câu là rác phải phân loại từ đầu nguồn trước khi đưa vào nhà máy. Bây giờ họ đổ cho là ông không phân loại thì không xử lý được là tại ông, họ chỉ ủi đè lên là lấy tiền, cả thành phố bốc mùi vẫn phải trả tiền", ông Đặng Huy Đông thông tin.
Đưa những ví dụ trên, vị nguyên Thứ trưởng cho rằng Việt Nam phải thay đổi tư duy về đấu thầu. Phải đấu thầu dịch vụ chứ không phải đấu thầu dự án, có như vậy mới đưa về được một mặt bằng để so sánh được.
"Xử lý rác có nhiều công nghệ: vi sinh, compost, đốt điện... mà giờ anh đưa ngay công nghệ đốt điện vào đầu bài thì chẳng còn gì mà đấu thầu cả. Đúng ra phải là tôi mua sắm dịch vụ làm sạch môi trường. Khí thải, nước thải theo tiêu chuẩn Việt Nam, chất thải cuối cùng là gì... Anh nào giá rẻ nhất là được, còn anh sử dụng công nghệ nào mặc kệ anh. Như vậy, ta đấu thầu vô cùng đơn giản, chứ không phức tạp như hiện nay", ông Đặng Huy Đông đề xuất.